Nhu cầu lao động có kỹ năng nghề tại Vân Đồn, Vạn Ninh và Phú Quốc

Tháng Sáu : 13-06-2019 Written by : nivet
font size :

Ba địa bàn Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Vạn Ninh, Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) là những địa bàn có vị trí địa lý chính trị rất trọng yếu trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong thời gian tới. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương phát triển các địa bàn này thành những đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, theo hướng công nghệ, tài chính và dịch vụ. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của ba địa bàn này, đồng thời với các chuẩn bị về mặt pháp lý và hạ tầng kỹ thuật, cần thiết phải chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp cả về quy mô và cơ cấu và chất lượng.

Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện đánh giá nhanh về thực trạng và nhu cầu lao động có kỹ năng nghề tại ba địa bàn Vân Đồn (Quảng Ninh), Vạn Ninh (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và lao động, việc làm và chuyên gia giới của Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” – Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ).

Đánh giá nhanh sử dụng chủ yếu là phương pháp nghiên cứu định tính trên cơ sở thu thập và tổng hợp các thông tin thứ cấp về các vấn đề có liên quan đã nêu trên tại ba tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang. Đồng thời, thu thập thông tin có liên quan từ các cơ quan Trung ương, như Tổng cục Thống kê, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan. Việc nghiên cứu, phân tích tài liệu được kết hợp với các cuộc toạ đàm, thảo luận nhóm, phỏng vấn sâu với các nhóm đối tượng có liên quan tại các địa phương nói trên.

(Nguồn: xaydungdang.org.vn)

  1. Thực trạng và nhu cầu lao động có kỹ năng nghề ở tỉnh Quảng Ninh và huyện Vân Đồn
  2. 1. Tại Quảng Ninh

Tính đến cuối năm 2017, dân số Quảng Ninh là 1.258.100 người, trong đó dân số thành thị là 64,1% và dân số nông thôn là 35,9%; dân số là nam giới 50,5%, nữ giới chiếm 49,5%.

Theo kết quả điều tra lao động- việc làm năm 2017 (Tổng cục Thống kê – GSO), số người từ 15 tuổi trở lên của Quảng Ninh là 960.562 người, trong đó nam giới là 478.794 người, chiếm 49,85% và nữ giới là 481.768 người, chiếm 50,15%.

Số người trong lực lượng lao là 697.788 người, trong đó lao động nam là 364.618 người, chiếm 52,25% và lao động nữ là 333.170 người, chiếm 47,75%.

Lực lượng lao động thành thị là 386.943 người, chiếm 55,45% và khu vực nông thôn là 310.845 người, chiếm 44,54%.

Số người trong nhóm tuổi trẻ (15-24) chiếm tỷ trọng 16%. Trung bình mỗi năm có khoảng 15.000 lao động trẻ gia nhập lực lượng lao động, điều này tạo ra áp lực khá lớn cho vấn đề tạo việc làm mới cho lao động của tỉnh.

Quảng Ninh là một trong số ít tỉnh/thành phố có chất lượng lao động tương đối tốt. Tỷ lệ lao động chưa biết chữ chỉ chiếm 3,84% trong tổng số lực lượng lao động của tỉnh, trong khi đó tỷ lệ người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 16,17%.

Biểu 1. Cơ cấu lực lượng lao độngtỉnh Quảng Ninh năm 2017

theo trình độ học vấn

Đơn vị: %

Trình độ học vấn Nam Nữ Chung
Chưa bao giờ đi học 3,25 4,49 3,84
Chưa học xong tiểu học 7,27 7,16 7,22
Tiểu học 14,22 14,66 14,43
Trung học cơ sở 28,39 27,62 28,03
Trung học phổ thông 28,25 22,87 25,68
Trung cấp 4,13 5,19 4,64
Cao đẳng 2,63 5,76 4,13
Đại học 11,17 11,71 11,43
Trên đại học 0,68 0,53 0,61

Nguồn: Điều tra Lao động- Việc làm, GSO, 2017

Lao động qua đào tạo ngày càng tăng nhanh, do đó tỷ lệ lao động qua đào tạo liên tục tăng lên. Theo cách tính của ngành lao động – thương binh và xã hội, năm 2011 tỷ lệ lao động qua đào tạo là 51%; năm 2012 là 55%; năm 2013 là 56%; năm 2014: 62%; năm 2015: 64,5%; năm 2016 là 69%; năm 2017 là 75%. (Nguồn: Phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Trang tin điện tử Sở LĐTBXH Quảng ninh, 2018)

Tuy nhiên, chất lượng nguồn lao động của tỉnh còn nhiều hạn chế, còn thiếu nhiều lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT) cao, công nhân lành nghề. Tỷ lệ lao động không có kỹ năng nghề, theo cách tính của Tổng cục Thống kê vẫn còn lớn (chiếm 73,18%).

Biểu2. Cơ cấu lực lượng lao động tỉnh Quảng Ninh năm 2017 theo trình độ CMKT

Đơn vị: %

Trình độ CMKT Nam Nữ Chung
 Không CMKT 63,08 84,23 73,18
 CMKT không có bằng/chứng chỉ 7,22 5,79 6,53
 Kỹ năng nghề dưới 3 tháng 3,59 3,23 3,42
 Chứng chỉ nghề dưới 3 tháng 2,21 1,12 1,69
 Sơ cấp 14,16 3,01 8,83
 Trung cấp 7,81 2,03 5,05
 Cao đẳng 1,93 0,61 1,30
Tổng 100 100 100

Nguồn: Điều tra Lao động- Việc làm, GSO, 2017

Dự báo đến năm 2020 quy mô nhân lực của tỉnh là 856.000 lao động; cơ cấu lao động là: Công nghiệp 35 %; nông nghiệp:22% và dịch vụ 43%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 61% tương đương 521900 người, trong đó lao động ở trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 21% trong tổng số lao động qua đào tạo, tương đương 109600 người.

Riêng các khu công nghiệp, năm 2019 thu hút thêm 16000 lao động, nâng tổng số lao động làm việc trong các khu công nghiệp khoảng 40.400 người.

Đến năm 2030 dự kiến quy mô nhân lực của tỉnh là 961.000 lao động; cơ cấu lao động.

Tập trung phát triển nhân lực có kỹ năng cho các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất lắp ráp điện tử; phát triển nhân lực cho các ngành dịch vụ du lịch, thương mại;

Tập trung quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN, cơ sở đào tạo đại học trên địa bàn để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

  1. 2. Tại Vân đồn

Vân đồn là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh gồm 12 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 1 thị trấn.

Dân số của Vân Đồn năm 2017 là 45.700 người, trong đó dân số khu vực thành thị chiếm 20%, nông thôn 80%; phần lớn lao động trong khu vực nông nghiệp; lao động dịch vụ, công nghiệp còn thiếu và yếu.Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 69%.

Đến năm 2020, huyện phấn đấu 70% lao động trong các khu vực kinh tế qua đào tạo, trong đó, trong ngành dịch vụ có 85% lao động qua đào tạo và trong ngành công nghiệp có 80% lao động được qua đào tạo. 100% cán bộ quản lý hành chính qua đào tạo đại học chính quy.

Theo định hướng phát triển kinh tế – xã hội của huyện, cơ cấu lao động dự kiến sẽ thay đổi mạnh mẽ. Hiện thực hoá mục tiêu này, một trong những giải pháp mà huyện tập trung thực hiện đó là thu hút nguồn nhân lực, nhất là lao động, học sinh và khách du lịch từ khu vực lân cận đến sinh sống, làm việc và lưu trú trên địa bàn. 

Vân Đồn đã tập trung cho công tác chuyển đổi cơ cấu lao động; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, huyện đã hoàn thiện Quy hoạch phát triển nhân lực Vân Đồn đến năm 2020, tầm nhìn 2030.Theo đó, huyện đặt ra mục tiêu cơ cấu lấy dịch vụ làm trọng tâm, khu vực công nghiệp và nông nghiệp phục vụ ngành dịch vụ. Cơ cấu lao động sẽ chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang khu vực dịch vụ, công nghiệp.

Dự báo đến năm 2020, nguồn cán bộ, lãnh đạo, cán bộ quản lý ở Vân Đồn khoảng trên 1.000 người. Nhu cầu lao động trong các khu vực kinh tế đến năm 2020, dự báo sẽ cần khoảng 45.000 lao động, đến năm 2030 khoảng 90.000 lao động.

Cơ cấu lao động: Đến năm 2030, nông nghiệp 8%, công nghiệp – xây dựng 32%, dịch vụ, thương mại 60%.

  1. Thực trạng và nhu cầu lao động có kỹ năng nghề ở tỉnh Khánh Hòa và huyện Vạn Ninh
  2. 1. Tại Khánh Hòa

Dân số Khánh Hòa năm 2017 là 1,27 triệu người, trong đó tỷ lệ dân sống ở thành thị là 57 % và số dân sống ở nông thôn là 43%.

Dân số từ 15 tuổi trở lên của tỉnh là 939.824 (2017), trong đó nam giới chiếm 48,69%, nữ giới chiếm tỷ lệ 51,31%.

Theo kết quả Điều tra Lao động- Việc làm năm 2017, số người trong lực lượng lao động của tỉnh Khánh Hòa là 690.179 người, trong đó lao động nam là 362.758 người, chiếm 52,56% và lao động nữ là 327421 người, chiếm 47,44%.

Trong tổng lực lao động, lao động ở khu vực thành thị của Khánh Hòa là 293.186 người, chiếm 42,78% và lao động ở khu vực nông thôn là 396.993 người, chiếm 57,52%. 

Trình độ học vấn của lao động ở tỉnh Khánh Hòa khá tốt. Tỷ lệ chưa biết chữ chỉ chiếm trên 5%, trong khi đó số người có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm gần 15%.  Tuy nhiên, có sự chênh lệch khá lớn về học vấn giữa nam và nữ. Đây sẽ là rào cản khá lớn khi lao động nữ tham gia thị trường lao động.

Biểu 3. Cơ cấu lực lượng lao động tỉnh Khánh Hòa năm 2017 theo trình độ học vấn

Đơn vị: %
Trình độ học vấn Nam Nữ Chung  
Chưa bao giờ đi học 4.25 6.98
  1. 54
 
Chưa học xong tiểu học 8.92 12.23
  1. 49
 
Tiểu học 32.4 29.17
  1. 87
 
Trung học cơ sở 26.53 23.45
  1. 06
 
Trung học phổ thông 14.85 11.66
  1. 34
 
Trung cấp 3.17 4.3
  1. 71
 
Cao đẳng 2.48 5.05
  1. 70
 
Đại học 7.18 7.13
  1. 16
 
Trên đại học 0.22 0.03
  1. 13
 
Tổng 100 100                100  

Nguồn: Điều tra Lao động- Việc làm, GSO, 2017

So với các tỉnh Miền trung, lực lượng lao động của Khánh hòa có chất lượng khá hơn. Tuy nhiên, so với bình quân chung thì tỷ lệ lao động có CMKT của Khánh hòa còn khá thấp (số lao động qua đào tạo chiếm 18,36 % trong tổng lực lượng lao động đang tham gia hoạt động kinh tế, trong khi đó tỷ lệ chung của cả nước là 22%).

Biểu 4. Cơ cấu lực lượng lao động tỉnh Khánh Hòa năm 2017 theo trình độ CMKT

Đơn vị: %

Trình độ CMKT Nam Nữ Chung
Không có CMKT 73.82 90.29 81.64
CMKT không có bằng/chứng chỉ 15.88 7.14 11.73
Kỹ năng nghề dưới 3 tháng 1.03 0.44 0.75
Chứng chỉ nghề dưới 3 tháng 1.17 1.14 1.16
Sơ cấp 6.15 0.91 3.67
Trung cấp 1.38 0.08 0.77
Cao đẳng 0.56 0 0.29
 Tổng 100 100 100

Nguồn: Điều tra Lao động – Việc làm, GSO, 2017

Dự báo đến năm 2020, dân số Khánh Hòa khoảng 1,4 triệu người, số lao động dự kiến 800.000 người. Lao động của Khánh hóa được cho là khá dồi dào và chất lượng sẽ từng bước được nâng lên do tỉnh chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng các cơ sở GDNN trên địa bàn. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, các cơ sở GDNN sẽ đào tạo134.500 người, trong đó đào tạo trình độ cao đẳng là 11.500 người. Trong giai đoạn 2020-2030, các cơ sở GDNN dự kiến đào tạo khoảng 302.000 người, trong đó đào tạo trình độ cao đẳng là 47.500 người, tập trung vào các ngành nghề du lịch, hàn, cơ khí chế tạo, điện tử, công nghệ cao…

  1. 2. Tại Vạn Ninh

Huyện Vạn Ninh có 13 xã, thị trấn, trong đó có 01 xã đảo, 01 xã miền núi, 01 đô thị loại V và 01 đô thị loại IV.

Dân số là 129.578 người, số người trong độ tuổi lao động là 65.965 người, trong đó số người có việc làm là 65 655. Số người đang làm việc trong khối các cơ quan hành chính sự nghiệp là 393 người.

Trong số lao động đang làm việc, lao động trong nông, lâm, ngư nghiệp là 29973 người; trong công nghiệp- xây dựng là 11723 người và trong dịch vụ là 23959 người.

Lao động qua đào tạo ở Vạn Ninh là 71,7%, trong đó lao động qua đào tạo nghề là 64,82%. So với bình quân chung toàn tỉnh, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện là thấp hơn.

Theo định hướng phát triển, thị trường lao động của Vạn Ninh và khu kinh tế Vân Phong sẽ theo hướng:

Cùng với việc gia tăng dân số cơ học, lao động nhập cư sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, để làm việc tại khu kinh tế Vân Phong với nguồn nhân lực chất lượng cao, khi khu này phát triển; trong khi đó lao động là người bản địa sẽ gặp nhiều bất lợi khi chất lượng không đáp ứng được.

Đào tạo nhân lực người bản địa là bài toán nan giải đối với huyện Vạn Ninh khi người dân có xu hướng vào các thành phố lớn Nha Trang và TP Hồ Chí Minh học tập và làm việc, không muốn làm việc tại địa phương.

  1. Thực trạng và nhu cầu lao động có kỹ năng nghề ở tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc
  2. 1. Tại Kiên Giang

Dân số Kiên giang tính đến cuối năm 2017 là 1.809.562 người, trong đó tỷ lệ dân sống ở thành thị là 42% và số dân sống ở nông thôn là 58%.

Dân số từ 15 tuổi trở lên của tỉnh là 1.338.494 người (2017), trong đó nữ chiếm 49% và nam giới chiếm 51%.

Theo kết quả điều tra Lao động- Việc làm năm 2017, số người trong lực lượng lao động của tỉnh Kiên Giang là 1.008262 người, trong đó lao động nam là 592.151 người, chiếm 58,73% và lao động nữ là 416.111 người, chiếm 41,27%.

Lực lượng lao động thành thị của Kiên Giang là 289.484 người, chiếm 28,71% và lao động ở khu vực nông thôn là 718.778 người, chiếm 71,29%. 

Trình độ học vấn của lao động ở tỉnh Kiên Giang chưa cao. Mặc dù tỷ lệ chưa biết chữ chỉ chiếm khoảng 4%, nhưng số người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên cũng chiếm tỷ lệ nhỏ (chỉ khoảng 8%). Đây sẽ là rào cản khi người lao động muốn có việc làm và chuyển dịch việc làm từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Biểu 5. Cơ cấu lực lượng lao động tỉnh Kiên Giang năm 2017 theo trình độ học vấn

Đơn vị: %

Trình độ học vấn Nam Nữ Chung
Chưa bao giờ đi học 3,73 4,6               4,09
Chưa học xong tiểu học 20,58 25,21             22,49
Tiểu học 38,47 39,26             38,79
Trung học cơ sở 22,43 16,91             20,15
Trung học phổ thông 7,35 4,65               6,24
Trung cấp 2,17 1,83               2,03
Cao đẳng 0,73 1,91               1,22
Đại học 4,3 5,5               4,79
Trên đại học 0,24 0,12               0,19
Total 100 100                100

Nguồn: Điều tra Lao động- Việc làm, GSO, 2017

Lao động qua đào tạo của Kiên Giang đã có xu hướng tăng lên, theo cách tính của ngành lao động – thương binh và xã hội, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2017 là 58%.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn lao động của tỉnh Kiên Giang còn nhiều hạn chế, còn thiếu nhiều lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, công nhân lành nghề. Tỷ lệ lao động không có kỹ năng nghề, theo cách tính của Tổng cục Thống kê vẫn còn lớn (chiếm 83,96 %).

Biểu 6. Cơ cấu lực lượng lao động tỉnh Kiên Giang năm 2017 theo trình độ CMKT

Đơn vị: %

  Nam Nữ Chung
Không có trình độ CMKT 79,46 90,37             83,96
CMKT không có bằng/chứng chỉ 11,95 7,77             10,23
Kỹ năng nghề dưới 3 tháng 1,96 0,96               1,55
Chứng chỉ nghề dưới 3 tháng 1,89 0,48               1,31
Sơ cấp 3,44 0,34               2,16
Trung cấp 0,92 0,07               0,57
Cao đẳng 0,39 0,02               0,23
Tổng 100 100 100

Nguồn: Điều tra Lao động- Việc làm, GSO, 2017

Dân số Kiên Giang năm 2019 dự kiến là 1,83 triệu người, trong đó dân số nông thôn là 1,28 triệu người, chiếm 69,95%; dân số thành thị là 0,55 triệu người, chiếm tỷ lệ 30,05%. Số lao động từ 15 tuổi trở lên tham gia hoạt động kinh tế của tỉnh năm 2019 là 1.161.531 người, trong đó số lao động có việc làm là 1.129.845 người. Đến năm 2020, số lao động có việc làm là 1,15 triệu lao động.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo (theo cách tính của ngành LĐTBXH) năm 2019 dự kiến đạt 63%, trong đó lao động có bằng, chứng chỉ chiếm 49%; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 dự kiến đạt 66%, tỷ lệ lao động qua đào tạo cả giai đoạn 2016-2020 là 56%, riêng hai năm 2019-2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%.

  1. 2. Tại Phú Quốc

Phú Quốc là một đảo lớn nhất của Việt Nam. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích 589,23 km². Phú quốc có 12 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 02 thị trấn.

Dân số của Phú Quốc năm 2017 là 127.000 người, tăng 1,25 lần so với năm 2015 (chủ yếu là tăng cơ học do di dân ngoại tỉnh, ngoại huyện). Do tính chất đặc thù, Phú Quốc có tỷ lệ dân sống ở vùng đô thị khá cao, chiếm tới 58,47% (2015), chủ yếu sinh sống ở hai thị trấn Đông Dương và An Thới.

Do sự biến động khá lớn lao động, nên thống kê lao động gặp khó khăn. Theo thống kê năm 2015, số người đang làm việc trong các ngành kinh tế của huyện là 43.939 người, chiếm 43,23% dân số. Tỷ lệ tham gia lao động của dân số Phú Quốc khá thấp so với bình quân chung cả nước là 70%.

Về cơ cấu lao động, lao động nam chiếm tỷ lệ 52% và nữ khoảng 48%. Tuy nhiên, xu hướng lao động nữ sẽ gia tăng do sự gia tăng các hoạt động thương mại và dịch vụ, thu hút nhiều lao động nữ.

Một điều rất đáng chú ý là trong số lao động đang làm việc trên huyện đảo Phú Quốc, lao động bản địa chỉ chiếm khoảng 1/6, còn lại là lao động nhập cư. Trong số lao động nhập cư, số mới định cư chiếm 38,4% và số tạm cư chiếm tới 30,5%. Lao động nhập cư đến từ rất nhiều địa phương, trong đó lao động từ các tỉnh miền bắc (bao gồm cả Hà Nội, Nam Định).

Do đa số là lao động nhập cư, nên học vấn của lao động Phú Quốc khá tốt, dường như không có người không biết đọc, biết viết. Tỷ lệ lao động có học vấn THPT là 92,4%. Tương tự như vậy, tỷ lệ lao động có CMKT của lao động Phú quốc khá cao so với mặt bằng chung của Kiên giang. Số người có CMKT chiếm tới 66,2%, trong đó có trình độ đại học trở lên chiếm tới 30,8% (chủ yếu là lao động nhập cư từ phía bắc đến kinh doanh du lịch, khách sạn).

Với định hướng phát triển kinh tế – xã hội, thị trường lao động của Phú quốc sẽ có nhiều biến động. Cùng với việc gia tăng dân số cơ học, lao động nhập cư sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, trong khi đó lao động là người bản địa sẽ gặp nhiều bất lợi khi chất lượng không đáp ứng được.

Đào tạo nhân lực người bản địa vẫn là bài toán nan giải đối với Phú Quốc. Do người Phú Quốc cũng có xu hướng vào đất liền (TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ) học tập và làm việc, không muốn làm việc tại Phú Quốc.

Do thời gian và kinh phí có hạn, Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp và chuyên gia không có điều kiện đi hết các địa phương và thực hiện các cuộc tọa đàm, thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu như mong muốn. Mặt khác, tài liệu do địa phương và trung ương cung cấp đôi khi có những số liệu không trùng khớp. Do đó báo cáo đánh giá nhanh chỉ giới hạn ở việc tổng quan những tài liệu thu thập được về thực trạng và nhu cầu lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) để phục vụ công tác nghiên cứu.

Phùng Lê Khanh, Lê Thị Hồng Liên và nhóm chuyên gia nghiên cứu

Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp

Tin tức khác

TIẾP NHẬN VÀ HƯỚNG DẪN THỰC TẬP LÀ HÌNH THỨC GẮN KẾT PHỔ BIẾN NHẤT GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

TIẾP NHẬN VÀ HƯỚNG DẪN THỰC TẬP LÀ HÌNH THỨC GẮN KẾT PHỔ BIẾN NHẤT GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

19 Tháng Sáu 2019

Sự gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và doanh nghiệp, thị trường lao động là một giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng GDNN. Trong những năm gần đây, việc thu hút doanh nghiệp tham gia vào hoạt động GDNN đang là một thách thức đối với Việt Nam. Trong bài […]

Việc làm của lao động nữ di cư tại Hà Nội

Việc làm của lao động nữ di cư tại Hà Nội

28 Tháng Sáu 2019

Tóm tắt: Bài viết trình bày một nghiên cứu điển hình về lao động nữ di cư tại Hà Nội (từ 18-30 tuổi) đang làm việc trong các doanh nghiệp nhằm đánh giá tình trạng việc làm và nhu cầu đào tạo kỹ năng đối với họ. Đồng thời, nghiên cứu phục vụ việc xây dựng […]

02439745020