Việc làm của lao động nữ di cư tại Hà Nội

Tháng Sáu : 28-06-2019 Written by : nivet
font size :

Tóm tắt: Bài viết trình bày một nghiên cứu điển hình về lao động nữ di cư tại Hà Nội (từ 18-30 tuổi) đang làm việc trong các doanh nghiệp nhằm đánh giá tình trạng việc làm và nhu cầu đào tạo kỹ năng đối với họ. Đồng thời, nghiên cứu phục vụ việc xây dựng kế hoạch và chương trình đào tạo nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng cũng như tạo cơ hội học tập phù hợp với nguyện vọng, năng lực và tạo cơ hội việc làm bền vững cho lao động nữ di cư tại Hà Nội.

Sinh viên nữ đang thực hành nghề nghề – Ảnh Công GIZ.

Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong lực lượng lao động của Việt Nam. Năm 2017, lao động nữ Việt Nam đạt xấp xỉ 26,2 triệu người chiếm 48% trong tổng số lao động[1]. Việt Nam có tỷ lệ nữ tham gia LLLĐ là 71,18%, cao hơn đáng kể so với nhiều quốc gia phát triển cũng như đang phát triển trong khu vực và trên thế giới, (tỷ lệ nữ tham gia LLLĐnăm 2016 của Đức và Úc là 55%, Singapore là 58%, Indonesia 51%, Nhật Bản 49% và Ấn Độ chỉ là 27%[2]).Trong giai đoạn 2006-2016, tốc độ tăng lực lượng lao động ở khu vực thành thị đạt 4,38%/năm, cao hơn gần 5 lần ở khu vực nông thôn, cho thấy quá trình đô thị hóa vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, lao động khu vực nông thôn cả nam và nữ tiếp tục đến các đô thị lớn tìm kiếm cơ hội sinh sống, làm việc và học tập.

Hà Nội là một trong hai thành phố có tỷ lệ lao động nữ di cư lớn nhất cả nước. Năm 2017, tổ chức Plan International Việt Nam cùng nhóm tư vấn độc lập triển khai nghiên cứu khảo sát cho Dự án “Empowering Female Migrant Youth to Succeed in the City and Workplace” (SAFE). Nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn đại diện 50 doanh nghiệp/cơ sở sản xuất – kinh doanh (sau đây gọi tắt là cơ sở) trên địa bàn Hà Nội và 256 lao động nữ di cư (từ 18-30 tuổi) hiện đang làm việc trong các sở này nhằm đánh giá tình trạng việc làm và nhu cầu đào tạo kỹ năng đối với họ. Đồng thời, nghiên cứu cũng phục vụ việc xây dựng kế hoạch và chương trình đào tạo nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng cũng như tạo cơ hội học tập phù hợp với nguyện vọng, năng lực và tạo cơ hội việc làm bền vững cho lao động nữ di cư tại Hà Nội.

Kết quả khảo sát 50 cơ sở cho thấy, nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động nữ trong các nghề sau: kỹ thuật viên spa gồm cả kỹ thuật viên chăm sóc mặt cơ bản, vật lý trị liệu: massage chân và body, (22% số cơ sở có nhu cầu), 21% cơ sở có nhu cầu tuyển thợ may, đầu bếp (15%), nhân viên bán hàng (12%), thu ngân (12%), phục vụ bàn (9%). Vì vậy, các nghề đang được đào tạo trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa PLAN và trường Trung cấp nghề Bắc Thăng Long là phù hợp với nhu cầu tuyển dụng hiện nay của các cơ sở.

Nghề may có nhu cầu tuyển nhiều lao động nhất song các cơ sở may trên địa bàn Hà Nội và Đông Anh có xu hướng tuyển dụng lao động tại địa phương vì không có điều kiện hỗ trợ nơi ở cho lao động. Nghề nhân viên bán hàng và phục vụ bàn có nhu cầu tuyển dụng (tuyển thêm lao động) ở mức trung bình nhưng sự thay đổi việc làm (chuyển việc) của các lao động đối với nghề này khá lớn. Nhiều lao động trẻ chỉ coi đây là các công việc tạm thời mà chưa nhìn nhận “bán hàng” hay phục vụ tại các nhà hàng (quán ăn) cũng là một nghề nghiệp thực sự. Đa số các cơ sở chăm sóc sắc đẹp có nhu cầu tuyển thêm 1 vài lao động để bảo đảm tính ổn định cho họat động (thay thế cho lao động bỏ việc hoặc không đạt yêu cầu). Như vậy, mặc dù có nhiều cơ sở muốn tuyển thêm kỹ thuật viên spa nhưng số lượng tuyển của nghề này không lớn bằng nghề may, bán hàng và phục vụ bàn.

Đối với các nghề khảo sát, phần lớn các cơ sở được khảo sát có nhu cầu tuyển dụng những lao động đã tay nghề và có kinh nghiệm làm việc (35%)hoặc có chứng chỉ nghề (16%). Tuy nhiên, các cơ sở thường yêu cầu lao động có kỹ năng nghề cơ bản còn các kỹ năng chuyên sâu sẽ do chính cơ sở thực hiện đào tạo để phù hợp với đặc điểm kinh doanh và thiết bị công nghệ của cơ sở. Cụ thể đối với nghề may yêu cầu lao động biết sử dụng thành thạo máy may, đối với nghề kỹ thuật viên Spa thì có chứng chỉ nghề là điều kiện để lao động được làm việc và các lao động có kinh nghiệm được ưu tiên trong tuyển dụng.

Tùy vào đặc điểm ngành nghề các cơ sở có yêu cầu khác nhau về kỹ năng mềm. Đối với nghề bán hàng và phục vụ bàn thì kỹ năng mềm đóng vai trò quan trọng như là kỹ năng nghề nghiệp chính, cụ thể là về khả năng giao tiếp và thá độ phục vụ khách hàng. Các cơ sở thường tự đào tạo, hướng dẫn cho lao động các kỹ năng này cùng với yêu cầu tuân thủ theo nội quy, các quy định làm việc của cơ sở. Nghề chăm sóc sắc đẹp, ngoài yêu cầu kỹ năng nghề thì các kỹ thuật viên spa còn cần biết cách nắm bắt tâm lý, biết cách lắng nghe, có kỹ năng giao tiếp tốt, có thể tư vấn, thuyết phục được khách hàng.

Đa số các cơ sở đều khẳng định sự cần thiết và quan trọng về thái độ làm việc của lao động cụ thể là: tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, trung thực, chăm chỉ…); Một số cơ sở còn nhận định việc rèn luyện và hình thành thái độ làm việc tốt cho người lao động còn khó khăn và mất nhiều thời gian hơn cả việc đào tạo kỹ năng nghề hay kỹ năng mềm cho lao động.

Bên cạnh đó, vì đa số lao động nữ di cư còn trẻ, sống xa gia đình nên thiếu thốn tình cảm và sự quan tâm, do đó một số cơ sở có nhận định là cần cung cấp kiến thức và đào tạo về kỹ năng sống cho các lao động nữ này để họ có khả năng nhận biết và tránh được được những hiểm họa, cạm bẫy phổ biến của cuộc sống thành thị. 

Khó khăn lớn nhất mà các cơ sở gặp phải khi tuyển dụng là: Lao động không ổn định/hay thay đổi công việc; tiếp đến là lao động có kỹ năng theo yêu cầu của doanh nghiệp và lao động làm việc thiếu tính chuyên nghiệp (tuân thủ kỷ luật, thái độ, hành vi,…chưa đáp ứng yêu cầu).

Hình thức tuyển dụng thông qua giới thiệu cá nhân (họ hàng, bạn bè) hay có thể hiểu là nhóm kênh phi chính thức được sử dụng nhiều nhất ở các cơ sở; tuyển dụng qua quảng cáo trên báo, internet cũng là một hình thức tuyển dụng phổ biến vì tính hiệu quả, tiết kiệm chi phí và mức độ lan truyền cao; hình thức thông báo tuyển dụng được dán/treo bên ngoài cơ sở.

Mức lương bình quân của lao động nữ so với mức lương bình quân nói chung không có sự chênh lệch đáng kể. Qua khảo sát cũng cho thấy không có sự phân biệt đối xử về mức lương, điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp ở các ngành/nghề được khảo sát.

Có khoảng 70% lao động làm việc không có hợp đồng lao động hoặc chỉ ký hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng. Lao động nữ phải làm việc thời gian tương đối dài, đồng thời phải làm theo ca kíp nên kết thúc ngày làm việc muộn hơn so với thời gian làm việc phổ biến (từ 8 giờ đến 17 giờ hằng ngày).

Về kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc của lao động: Kiến thức lý thuyết về nghề của lao động được đánh giá ở mức trung bình, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của cơ sở; Các kỹ năng nghề cơ bản của lao độngcũng được các chủcơ sở đánh giá là đạt yêu cầu và ở mức độ tốt hơn so với kỹ năng mềm. Trong các nghề thì kỹ năng chăm sóc/massage mặt cơ bản nhận được điểm đánh giá cao nhất, tiếp đến là kỹ năng may và sử dụng máy may công nghiệp. Một số kỹ năng nhận được điểm đánh giá thấp hơn là kỹ năng kiểm tra chất lượng sản phẩm may và tạo mẫu tóc; Thái độ làm việc,“tính kỷ luật, ngăn nắp, đúng giờ”, và “cần cù, chịu khó” được doanh nghiệp đánh giá tốt trong khi “tính sáng tạo, đổi mới” hay “sẵn sàng học hỏi, có động lực phát triển nghề nghiệp” chỉ được chủ cơ sở đánh giá là mới đáp ứng được một phần.

Kết quả khảo sát 256 lao động nữ di cư (từ 18-30 tuổi) cho thấy, chủ yếu họ làm việc tại các các cơ sở phi chính thức nên ít được tham gia bảo hiểm xã hội (30% lao động tham gia BHXN), bảo hiểm y tế (39%), bảo hiểm thất nghiệp (21%) tại nơi làm việc. Các chế độ đãi ngộ khác cũng hạn chế.

Có 48, 4% lao động muốn được đào tạo trong thời gian tới với mức học phí thấp hoặc được học miễn phí. Trong đó, các nghề mà nhiều lao động muốn được đào tạo nhất là: trang điểm (36 người), massage (15 người) và chế biến món ăn (13 người), giao tiếp và tư vấn khách hàng (9 người), may và thiết kế thời trang (8 người), tin học (8 người).Đối với mỗi lao động làm việc tại các ngành/nghề khác nhau thì sẽ đòi hỏi các kỹ năng khác nhau để có thể đáp ứng tốt được yêu cầu công việc của từng ngành/nghề đó.

Những thuận lợi đối với lao động nữ di cư trong việc tham gia học nghề và tìm kiếm việc làm

Thị trường lao động ở Hà Nội khá sôi động trong cả hai khu vực chính thức và phi chính thức, nhu cầu lao động vẫn lớn. Mặc dù lao động nữ di cư đang làm/tìm được công việc không thật sự bảo đảm chất lượng việc làm tốt song họ vẫn có thể tìm việc khá dễ dàng và có cơ hội phát triển nếu được hỗ trợ tư vấn nghề nghiệp phù hợp.

Một bộ phận lao động nữ di cư đã có kinh nghiệm làm việc và trình độtay nghề nhất định nhưng chưa có bằng/chứng chỉ và công nhận chính thức trên thị trường lao động. Vì vậy, nếu được tạo điều kiện để tham gia các khoá học nghề lao động nữ sẽ được chuẩn hoá về kiến thức, kỹ năng nghề và được công nhận chính thức, từ đó tìm được việc làm tốt hơn.

Kết quả khảo sát không ghi nhận có sự phân biệt đối xử của chủ doanh nghiệp đối với lao động nam và nữ trong công việc. Một số lĩnh vực (như khách sạn) có ưu tiên lao động nữ không phải làm ca đêm nếu trong khách sạn có nhiều lao động nam hỗ trợ đảm nhiệm ca đêm, hoặc trong công việc phục vụ, nấu ăn, bán hang,… nữ giới cũng được bố trí các vị trí làm việc nhẹ nhàng hơn nam giới.

Lao động nữdi cưphần nhiềuchịu khó, siêng năng làm việc và mong muốn có cuộc sống và việc làm tốt hơn vì vậy mà họ có ý chí phấn đấu cao, chịu được khó khăn để học nghề và lập nghiệp.

Các lĩnh vực nghề được khảo sát gồm: may mặc, chế biến món ăn, phục vụ nhà hàng, bán hàng và cắt tóc, massage đều là những nghề mà thị trường lao động Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng cao. Tiêu chí tuyển dụng chú trọng đến kỹ năng nghề và kinh nghiệm chứ không có sự phân biệt lao động Hà Nội hay ngoại tỉnh. Yêu cầu về trình độđào tạo nghềngắn hạn nên rất phù hợp với năng lực và điều kiện của đa số lao động nữ di cư trên địa bàn Hà Nội.

Tuy nhiên, lao động nữ di cư cũng gặp phải một số khó khăn trong việc tham gia học nghề và tìm kiếm việc làm

Nhận thức và trình độ của lao động nữ nhập cư còn hạn chế, đa số đều không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Phần lớn lao động làm việc ở khu vực phi chính thức không được đào tạo nghề, hoặc học nghề thông qua vừa học vừa làm. Họ có được kỹ năng nghề qua tích lũy kinh nghiệmtại nơi làm việc nhưng các kỹ năng mềm như giải quyết vấn đề, giao tiếp còn hạn chế. Hầu hết các lao động nữ di cư không biết ngoại ngữ và thiếu kỹ năng tin học.

Do việc làm thiếu ổn định, thu nhập thấp và thời gian làm việc kéo dài nên lao động nữ ít có cơ hội học nghề, nâng cao trình độ. Lao động nữ nhận được rất ít hỗ trợ từ phía chủ cơ sở sử dụng lao động. Lao động nữ di cư trong nghề may thường làm việc từ 9 đến11 giờ/ngày, đặc biệt là mùa cao điểm làm toàn bộ thời gian cuối tuần nên có ít thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc gia đình, con cái.

Phần lớn lao động nữ di cư làm việc tại các cơ sở sản xuất – thương mại – dịch vụ thuộc khu vực phi chính thức đều không ký hợp đồng lao động. Do vậy, các quyền lợi lao động đối với họ đều rất khó được đảm bảo (ví dụ như tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không có chế độ nghỉ ốm, nghỉ phép, nghỉ sinh,…).

Hầu hết các lao động nữ ngoại tỉnh chưa được tiếp cận, tư vấn thông tin đầy đủ về đào tạo nghề và việc làm. Một số lao động nữ khu vực phi chính thức muốn tham gia BHYT, BHXH tự nguyện nhưng họ không có thông tin về các loại bảo hiểm này, không biết tìm tư vấn hỗ trợ tham gia bảo hiểm tự nguyện ở đâu.

Về cơ bản, lao động nữ di cư gặp nhiều khó khăn so với lao động nữ Hà Nội và các nhóm lao động khác ở nhiều mặt, trước hết là về nhà ở do phần lớn họ phải tự đi thuê nhà, tự trang trải cuộc sống và không nhận được nhiều hỗ trợ từ gia đình. Lao động nữ di cư còn gặp nhiều bất lợi việc thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội, tình cảm do họ thiếu kỹ năng sống và vốn xã hội (ít bạn bè, ít hoặc không tham gia các tổ chức, đoàn thể), nhiều lao động nữ không biết cách giao tiếp phù hợp hoặc giữ mối quan hệ làm việc hài hoà.

Hiện còn thiếu chính sách đặc thù hỗ trợ cho lao động nữ di cư học nghề tại Hà Nội cũng như các thành phố, đô thị lớn. Các chính sách học nghề và việc làm cho lao động nữ đang được áp dụng chung cho cả nam giới và nữ giới, lao động nông thôn và thành thị. Các chính sách ưu đãi về học nghề và việc làm của Nhà nước thường gắn với hộ khẩu. Như vậy vô hình chung lao động nữ di cư thường bị gạt ra ngoài các chính sách hỗ trợ về đào tạo và việc làm hiện hành.

Phùng Lê Khanh, Lê Thị Hồng Liên và nhóm nghiên cứu

Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp

Tin tức khác

Nhu cầu lao động có kỹ năng nghề tại Vân Đồn, Vạn Ninh và Phú Quốc

Nhu cầu lao động có kỹ năng nghề tại Vân Đồn, Vạn Ninh và Phú Quốc

13 Tháng Sáu 2019

Ba địa bàn Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Vạn Ninh, Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) là những địa bàn có vị trí địa lý chính trị rất trọng yếu trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong thời gian tới. Đảng và Nhà nước Việt […]

TIẾP NHẬN VÀ HƯỚNG DẪN THỰC TẬP LÀ HÌNH THỨC GẮN KẾT PHỔ BIẾN NHẤT GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

TIẾP NHẬN VÀ HƯỚNG DẪN THỰC TẬP LÀ HÌNH THỨC GẮN KẾT PHỔ BIẾN NHẤT GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

19 Tháng Sáu 2019

Sự gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và doanh nghiệp, thị trường lao động là một giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng GDNN. Trong những năm gần đây, việc thu hút doanh nghiệp tham gia vào hoạt động GDNN đang là một thách thức đối với Việt Nam. Trong bài […]

02439745020