NĂNG LỰC/KỸ NĂNG CỦA LAO ĐỘNG QUA ĐÀO TẠO NGHỀ TRỌNG ĐIỂM – MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Tháng Ba : 12-03-2021 Written by : nivet
font size :

NĂNG LỰC/KỸ NĂNG CỦA LAO ĐỘNG QUA ĐÀO TẠO NGHỀ TRỌNG ĐIỂM

– MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Phùng Lê Khanh

Email: plkhanh@gmail.com

Lê Thị Hồng Liên

Email: lelien212@gmail.com

Tóm tắt:

Bài viết cung cấp một số thông tin về năng lực/kỹ năng của lao động qua đào tạo nghề trọng điểm và đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao năng lực/kỹ năng cho lao động qua đào tạo nghề thông qua kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu lao động qua đào tạo về GDNN gắn với việc làm đáp ứng thị trường lao động năm 2018 do Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp thực hiện đối với 5114 lao động.

Từ khóa: năng lực/kỹ năng, nghề trọng điểm, việc làm đáp ứng thị trường lao động

Ngành, nghề trọng điểm là nghề phổ biến, nằm trong danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp; ngành, nghề thế mạnh của nhà trường; ngành, nghề có nhu cầu nhân lực lớn phù hợp với yêu cầu phát triển nhân lực có tay nghề của ngành, địa phương, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, cạnh tranh quốc gia trong xu thế hội nhập hiện nay; ngành, nghề mà trường đã được cấp giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đã thực hiện tuyển sinh đào tạo ít nhất 03 khóa học tính đến ngày 31/12/2016 với quy mô đào tạo tối thiểu 50 học sinh/khóa; ưu tiên cho một số ngành, nghề, cụ thể: (a) những nhóm ngành, nghề về công nghệ, kỹ thuật, nông nghiệp, công nghiệp. Đặc biệt là những ngành, nghề phục vụ trực tiếp của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, (b) 08 nhóm lĩnh vực ngành, nghề được tự do di chuyển (gồm: nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch) theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), (c) các nhóm ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu, (d) nhóm ngành, nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh[1].

1. Vị trí công việc và trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động

Kết quả khảo sát 5114 lao động cho thấy, có 2,2% làm ở vị trí giám đốc/phó giám đốc; trưởng/phó phòng/quản đốc; có 8,1% làm ở vị trí tổ trưởng, trưởng nhóm, trưởng/phó bộ phận và tương đương và 60,8% là lao động trực tiếp sản xuất – kinh doanh.

Lao động có trình độ cao đẳng chiếm tỷ lệ cao nhất (65,8%); trình độ trung cấp là 31,5% và trình độ sơ cấp là 2,7%. Với ngành nghề đào tạo chủ yếu là nhóm nghề kỹ thuật (43,1%); công nghệ kỹ thuật (16,9%); sức khỏe (7,9%) và du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân (7,5%).

Bảng 1. Lao động theo nhóm nghề đào tạo và trình độ đào tạo

Đơn vị tính: %

Nhóm nghề đào tạo Cao đẳng Trung cấp Sơ cấp Tổng
Mỹ thuật ứng dụng 0,2 0,2 0,2
Kinh doanh và quản lý 7,8 2,8 5,0 6,1
Máy tính và công nghệ thông tin 9,6 3,9 1,4 7,6
Kỹ thuật 37,2 57,6 20,9 43,1
Sức khỏe 7,6 8,4 8,6 7,9
Công nghệ kỹ thuật 19,0 13,9 2,2 16,9
Kỹ thuật hóa học, vật liệu luyện kim và môi trường 1,4 1,3 1,3
Chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống 1,9 1,2 1,4 1,7
Sản xuất, chế biến sợi, vải, giày, da 2,7 6,2 1,4 3,8
Kiến trúc và xây dựng 2,1 0,4 0,7 1,6
Nông, lâm nghiệp và thủy sản và thú y 2,8 0,4 3,6 2,1
Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân 7,5 3,7 53,2 7,5
Dịch vụ vận tải 0,1 1,4 0,1
Tổng số 65,8 31,5 2,7 100,0

2. Mức độ đáp ứng của năng lực/kỹ năng đối với công việc hiện tại


Có 61,2% lao động cho rằng ngành nghề được đào tạo phù hợp với công việc hiện tại; 22,6% lao động cho rằng rất phù hợp. Chỉ có khoảng 2,1% lao động cho rằng ít hoặc không phù hợp. Đây cũng là một kết quả khả quan đối với những lao động đã tốt nghiệp các nghề đào tạo trọng điểm khi mà tỷ lệ lao động cho rằng mức độ phù hợp với công việc hiện tương đối cao.

Sử dụng thang đo Linker trong đánh giá mức độ đáp ứng về năng lực/kỹ năng của lao động đối với công việc hiện tại (trong đó, 5 điểm là hoàn toàn đáp ứng, 1 điểm là hoàn toàn không đáp ứng), với 11 hạng mục năng lực/kỹ năng của lao động thì chuyên môn/nghiệp vụ được người lao động đánh giá đáp ứng công việc hiện tại tốt nhất (4,16 điểm) sau đó là an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp; kỹ năng tập trung. Những kỹ mức độ đáp ứng đối với công việc hiện tại còn thấp là ngoại ngữ (3,29 điểm); tin học và kỹ năng kinh doanh (3,44 điểm).

Hình 1. Mức độ đáp ứng của năng lực/kỹ năng đối với công việc hiện tại

Đơn vị tính: Điểm trung bình

3. Năng lực/kỹ năng được đào tạo tại doanh nghiệp

Có 52,5% lao động được đào tạo tại doanh nghiệp, với lý do chính là để nâng cao năng lực chuyên môn/nghiệp vụ cho lao động (2281 lượt người); tiếp đến là vì thay đổi/cập nhật công nghệ (858 lượt người). 

  Hình 2. Lý do đào tạo

Đơn vị tính: Lượt người

Có 2453 lượt lao động được đào tạo về năng lực chuyên môn/nghiệp vụ; 1017 lượt lao động được đào tạo về kỹ năng an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp. Đây là những kỹ năng/năng lực mà nhiều người lao động được doanh nghiệp đào tạo. Ngoài ra, tùy thuộc vào vị trí công việc và ngành nghề sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp mà doanh nghiệp tiến hành đào tạo các năng lực/kỹ năng khác nhau cho người lao động.

Hình 3. Năng lực/kỹ năng lao động được đào tạo tại doanh nghiệp

Đơn vị: lượt người

4. Nhu cầu đào tạo thêm về năng lực/kỹ năng

Trong tổng số 5114 lao động thì chuyên môn/nghiệp vụ là có nhu cầu đạo tạo thêm nhiều nhất (3424 lượt người); tiếp đến, là 2470 lượt người muốn được đào tạo thêm về ngoại ngữ; 1820 lượt người muốn được đào tạo thêm về tin học; 1631 lượt người muốn được đào tạo thêm về kỹ năng giao tiếp và 1497 lượt người muốn đào tạo thêm kỹ năng kinh doanh.

    Hình 4. Nhu cầu đào tạo thêm về năng lực/kỹ năng

Đơn vị: % lượt người

5. Một số khuyến nghị nhằm nâng cao năng lực/kỹ năng cho lao động qua đào tạo nghề

Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Chú trọng đào tạo thực hành, thực tế, kỹ năng mềm, bên cạnh đó, cũng cần định hướng nghề nghiệp và đào tạo đạo đức nghề nghiệp cho học viên.

Tăng cường đào tạo về trình độ ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm cho học viên, đặc biệt là kỹ năng trả lời phỏng vấn để học viên tự tin hơn khi đi tìm việc làm.

Cần cập nhật thông tin về nhu cầu đào tạo, tuyển dụng lao động của doanh nghiệp cũng như lắng nghe ý kiến của học viên để kịp thời thay đổi phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo và xem xét mở ngành nghề đào tạo mới phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo thì nhà trường cần tiếp tục chú trọng công tác hỗ trợ thông tin và giới thiệu việc làm cho học viên sau tốt nghiệp. Các đơn vị  phòng/khoa, các cán bộ nhân viên, giáo viên cùng phối hợp thực hiện việc hỗ trợ thông tin, giới thiệu việc làm và khảo sát lần vết học viên tốt nghiệp. Cần tổ chức hoạt động trao đổi thường xuyên giữa các đơn vị, phòng/khoa trong nhà trường để chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm cho học viên, phối hợp giữa các đơn vị một cách chặt chẽ, thường xuyên để tạo ra các kênh kết nối việc làm cho học viên một cách hiệu quả.

Cần chủ động tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp nhiều hơn với nhiều hoạt động như: cùng doanh nghiệp xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; xây dựng chuẩn đầu ra; danh mục ngành, danh mục thiết bị đào tạo; cân phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề và giới thiệu việc làm;

Mở các lớp đào tạo liên thông nâng cao trình độ cũng như các lớp đào tạo kỹ năng, đào tạo nâng cao để tạo điều kiện cho người học có nhiều lựa chọn học tập nâng cao trình độ khi có nhu cầu.

 Đối với lao động qua đào tạo nghề

Trước tiên, người lao động phải có năng lực chuyên môn tốt. Biết áp dụng được những kiến thức đã học vào trong thực tế và không ngừng nâng cao tay nghề trong quá trình làm việc.

Người lao động cần phải nâng cao kỹ năng nghề cũng như những kỹ năng mềm phục vụ cho công việc. Những kỹ năng mềm mà hiện nay người lao động cần phải có để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng, đưa ra các quyết định và giải quyết các vấn đề; Tổ chức, lên kế hoạch và xắp xếp thứ tự ưu tiên công việc. 

Hiện nay các doanh nghiêp rất coi trọng thái độ làm việc của người lao động. Vì vậy, để người lao động đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh thì cần phải có thái độ tích cực tại nơi làm việc như: Sẵn sàng học hỏi, định hướng nghề nghiệp, có tham vọng, có động lực; thực hiện nghiêm túc các quy định của doanh nghiệp; Chính xác, cẩn thận, tập trung; Kỷ luật, ngăn nắp, đúng giờ; Tính sáng tạo, đổi mới; Chịu khó, chịu được áp lực; Chịu khó, chịu được áp lực; chú trọng đến sức khỏe, vệ sinh và an toàn lao động.

Đối với người sử dụng lao động

Tăng cường hợp tác với cơ sở GDNN với nhiều hoạt động như: tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; xây dựng chuẩn đầu ra; danh mục ngành, danh mục thiết bị đào tạo; phối hợp trong đào tạo nghề, tiếp nhận học viên thực tập và tuyển dụng học viên sau tốt nghiệp.

Cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu về năng lực/kỹ năng của lao động cần tuyển dụng để lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với bản thân và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp./.

Tin tức khác

Nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

26 Tháng Ba 2021

Sáng ngày 10/10/2019 tại Ninh Bình, Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp tổ chức Khai giảng lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tham dự khai giảng lớp có lãnh đạo Viện Khoa […]

Phát triển đào tạo nghề nghiệp tại Đà Nẵng – Thực trạng và giải pháp

Phát triển đào tạo nghề nghiệp tại Đà Nẵng – Thực trạng và giải pháp

3 Tháng Bảy 2019

Tóm tắt: Bài viết đánh giá thực trạng công tác đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (mạng lưới, tuyển sinh, tốt nghiệp, giáo viên và cán bộ quản lý, công tác đảm bảo chất lượng dạy nghề,…), những mặt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, từ đó đề xuất […]

Lao động trực tiếp sản xuất của ngành Dệt may, da giày – Thực trạng và giải pháp

Lao động trực tiếp sản xuất của ngành Dệt may, da giày – Thực trạng và giải pháp

28 Tháng Tám 2019

Lao động trực tiếp sản xuất của ngành dệt may, da giày được đánh giá là sẽ chịu nhiều tác động từ những thay đổi của khoa học công nghệ trong thời gian tới. Để nhận diện chinh xác những ảnh hưởng đó. Bài viết trình bày thưc trạng và đề xuất một số giải […]

02439745020