Phát triển đào tạo nghề nghiệp tại Đà Nẵng – Thực trạng và giải pháp

Tháng Bảy : 03-07-2019 Written by : nivet
font size :

Tóm tắt: Bài viết đánh giá thực trạng công tác đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (mạng lưới, tuyển sinh, tốt nghiệp, giáo viên và cán bộ quản lý, công tác đảm bảo chất lượng dạy nghề,…), những mặt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động thành phố.

Sinh viên thực hành nghề  – Ảnh Công GIZ.

 Đặt vấn đề

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng đã chỉ rõ, đến năm 2020, xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế – xã hội của miền Trung với vai trò là trung tâm dịch vụ, cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về vận tải và trung chuyển hàng hoá trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính viễn thông và tài chính – ngân hàng; một trong những trung tâm y tế, văn hoá – thể thao, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ cao của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và của cả nước.

Đến năm 2020, để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, Đà Nẵng sẽ mở rộng hợp lý quy mô đào tạo cao đẳng, đại học và dạy nghề, tạo bước đột phá về dạy nghề, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70% (trong đó, 2% lao động có trình độ thạc sỹ trở lên, 19% lao động có trình độ đại học – cao đẳng, 16% trung cấp, 33% công nhân kỹ thuật).

Theo kết quả điều tra lao động – việc làm (Tổng cục Thống kê), năm 2018, lực lượng lao động của Đà Nẵng khoảng 577.900 người (chiếm 53,5% dân số), trong đó, có khoảng 555.000 lao động có việc làm (chiếm 51,4% dân số, trong đó, 42,6% đã qua đào tạo), và tỷ lệ thất nghiệp khoảng 4%.

  1. Thực trạng đào tạo nghề nghiệp

Về mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN): hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 64 cơ sở GDNN, trong đó có: 20 trường cao đẳng, 06 trường trung cấp, 11 trung tâm GDNN và 27 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN.

Hình 1. Số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp chia theo cấp quản lý và loại hình cơ sở

Đơn vị: cơ sở

(Nguồn: Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triền dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đà Nẵng)

Về tuyển sinh: quy mô tuyển sinh đào tạo của các cơ sở GDNN hiện nay là 52.563 học sinh, sinh viên với 260 ngành nghề đào tạo ở các cấp trình độ đào tạo. Trong đó, nhóm ngành/nghề thương mại dịch vụ chiếm khoảng 66%, nhóm ngành/nghề công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 31% và nhóm ngành/nghề nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 3%;

Hình 2. Quy mô đào tạo chia theo cấp trình độ  

Đơn vị: %

(Nguồn: Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triền dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đà Nẵng)

Tỉ lệ học sinh, sinh viên học nghề ra trường có việc làm ngay trong thời gian 6 tháng sau khi tốt nghiệp đạt trên 70%, trong đó một số nghề về dịch vụ du lịch, công nghệ thông tin, cơ khí, công nghệ ô tô tỉ lệ có việc làm đạt 90% – 100%. Tỉ lệ thất nghiệp của lao động được đào tạo nghề chỉ chiếm 10% – 12% trong tổng tỉ lệ thất nghiệp của thành phố.

Về cán bộ quản lý và đội ngũ nhà giáo: hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2.867 cán bộ quản lý và đội ngũ nhà giáo.

Trong tổng số 686 cán bộ quản lý, trình độ thạc sĩ chiếm tỷ lệ cao nhất (40%), tiếp đến là trình độ đại học chiếm 37,9%, ít nhất là trình độ trung cấp (2,6%).

Với 2.181 nhà giáo cơ hữu, trình độ thạc sĩ cũng chiếm tỷ lệ cao nhất (42,8%), tiếp đến là trình độ đại học chiếm 29,6%, và ít nhất là trình độ tiến sỹ (2,4%).

Hình 3. Cán bộ quản lý và giáo viên chia theo trình độ   

Đơn vị: %

(Nguồn: Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triền dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đà Nẵng)

Theo Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về quy định chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, có 21,4% nhà giáo có trình độ kỹ năng nghề, chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề, bậc thợ và tương đương; 88,8% nhà giáo đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm; 86,4% nhà giáo đạt chuẩn về trình độ ngoại ngữ hoặc tương đương trở lên; 85,35% nhà giáo đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản hoặc tương đương trở lên.

Về chương trình, giáo trình đào tạo: các cơ sở GDNN chủ động xây dựng, điều chỉnh và thẩm định chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và của xã hội với 577 chương trình và 400 giáo trình đào tạo đào tạo ở các cấp trình độ đã được xây dựng và ban hành.

Hình 4. Chương trình và giáo trình đào tạo chia theo trình độ   

Đơn vị: %

(Nguồn: Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triền dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đà Nẵng)

Về cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề: tổng diện tích đất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 899.252 m2, trong đó, diện tích các phòng học lý thuyết là 108.191 m2 (chiếm 12,0%); diện tích các phòng thực hành là 230.435 m2 (chiếm 25,6%). Đồng thời, hàng năm, các cơ sở GDNN cũng đầu tư xây dựng cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy.

Về công tác đảm bảo chất lượng dạy nghề: năm 2018, có 10 trường cao đẳng thực hiện công tác tự kiểm định chất lượng cơ sở GDNN, chất lượng chương trình đào tạo. Hiện nay, có 02 trường cao đẳng nghề được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp công nhận kiểm định chất lượng dạy nghề cấp độ 3 (Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, Trường Cao đẳng nghề số 5) và 02 chương trình đào tạo được kiểm định (chương trình quản trị khách sạn, chương trình quản trị mạng của Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng).

Về dạy nghề gắn với doanh nghiệp: có 31 cơ sở GDNN đã phối hợp với 596 lượt doanh nghiệp tham gia tiếp nhận 8.538 học sinh, sinh viên vào thực tập tại doanh nghiệp và tiếp nhận 4.350 học sinh, sinh viên vào làm việc. Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN đã phối hợp với các doanh nghiệp đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp ở trình độ sơ cấp nghề và đào tạo dưới 03 tháng cho 5.116 lượt lao động. Giai đoạn 2016 – 2018, có 686 nhà giáo được các cơ sở GDNN cử đến 211 doanh nghiệp hướng dẫn sinh viên thực tập. Các cơ sở GDNN đã phối hợp với doanh nghiệp tham gia xây dựng và thẩm định ban hành 577 chương trình đào tạo ở các cấp trình độ: trong đó, 188 chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, 187 chương trình đào tạo trình độ trung cấp, 178 chương trình đào tạo nghề trình độ sơ cấp, 24 chương trình đào tạo dưới 3 tháng.

      2. Đánh giá chung

  1. 1. Mặt được

Công tác đào tạo nghề nghiệp luôn được các cơ sở GDNN quan tâm chủ động đổi mới, cập nhật những nội dung, phương pháp đào tạo; điều này, đã góp phần ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp; số lượng và chất lượng lao động có tay nghề cao được cải thiện, đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường lao động trên địa bàn thành phố.

Các đối tượng chính sách tham gia học nghề như: dân tộc thiểu số, người khuyết tật, lao động nông thôn, người nghèo, lao động thất nghiệp … được nhà nước hỗ trợ học nghề đã từng bước ổn định việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Các cơ sở GDNN đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn trong các vấn đề xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tạo điều kiện cho học viên đến thực tập tại doanh nghiệp và ký kết tuyển dụng  học viên vào làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp.

  1. 2. Hạn chế, tồn tại

Công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp về học nghề hiện nay còn hạn chế chưa đủ mạnh để tác động đến người dân, làm chuyển biến nhận thức của một bộ phận người dân trong xã hội để họ thực sự hiểu đúng về tầm quan trọng của việc học nghề, nhất là học sinh, thanh niên trong thời điểm hiện nay.

Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở GDNN còn hạn chế, chưa phối hợp chặt chẽ và đồng bộ trong quá trình triển khai tổ chức đào tạo nghề nghiệp và giải quyết việc làm.

Nhu cầu thị trường lao động nhiều, trong khi số lao động qua đào tạo nghề có trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tỷ lệ chưa cao, nên không đủ cung ứng cho nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp, đặc biệt là lao động kỹ thuật tay nghề cao.

      3. Một số giải pháp

  1. 1. Về tăng cường quản lý nhà nước

– Tăng cường sự phối hợp trong quản lý nhà nước về GDNN trên địa bàn, nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý GDNN các cấp, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý GDNN ccác cấp.

– Làm tốt công tác phân luồng học sinh sau bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông để hướng nghiệp học nghề.

– Xây dựng kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực GDNN; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của địa phương xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp.

– Tập trung thực hiện xã hội hóa sự nghiệp GDNN; kiểm tra việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, tổ chức và nhân sự đối với các cơ sở GDNN theo quy định của pháp luật; đa dạng nguồn lực cho phát triển GDNN (huy động từ doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể xã hội, kinh tế…).

– Xây dựng hệ thống thông tin quản lý về GDNN. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thanh tra và kiểm định chất lượng GDNN và kiểm định chương trình đào tạo.

  1. 2. Về cơ chế, chính sách

– Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển GDNN phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội và đặc thù của thành phố.

– Tiến hành nghiên cứu, rà soát các quy định, chính sách, đề xuất thay đổi hoặc điều chỉnh nhằm phát huy hiệu quả của các chính sách.

– Xây dựng và ban hành chính sách thu hút người học nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một số lĩnh vực đặc thù riêng của thành phố.

– Thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người học nghề thuộc đối tượng đặc thù, nhóm yếu thế theo quy định của Nhà nước.

– Rà soát hoàn chỉnh và nghiên cứu ban hành các chính sách đảm bảo có tính ưu việt hơn so với chính sách chung của quốc gia:

Chính sách đãi ngộ, thu hút giáo viên đào tạo GDNN: Tiền lương, tiền thưởng; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.

+ Chính sách đối với cán bộ quản lý GDNN: Tập trung xây dựng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý GDNN, hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp đến cấp quận, huyện.

+ Chính sách đối với người học: Học bổng, tín dụng học nghề, miễn, giảm học phí, đảm bảo liên thông giữa các cấp trình độ đào tạo.

+ Chính sách đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Đầu tư các trường chất lượng cao ở các vùng kinh tế động lực của thành phố.

+ Chính sách đối với doanh nghiệp tham gia GDNN: Xây dựng và áp dụng chính sách thuế nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực GDNN.

+ Chính sách giải quyết việc làm đối với người sau học nghề: Tư vấn việc làm, tạo điều kiện cho vay vốn.

+ Đổi mới chính sách tài chính cho GDNN: Tập trung các nguồn vốn của Trung ương và địa phương để đầu tư đồng bộ (phát triển giáo viên, chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo…) cho các nghề trọng điểm, trường chất lượng cao, tránh sự dàn trải, lãng phí.

  1. 3.Giải pháp thúc đẩy sự gắn kết doanh nghiệp với giáo dục nghề nghiệp

– Xây dựng và ban hành chính sách liên kết GDNN với doanh nghiệp sử dụng nhằm xác định trách nhiệm và khuyến khích tất cả các bên liên quan tham gia đầu tư và tổ chức các hoạt động GDNN.

– Đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo và phương pháp theo hướng nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là các nghề có sử dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học cao. Đây là hướng đột phá nhằm tăng nhanh quy mô lao động kỹ thuật của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố.

– Xây dựng hệ thống thông tin, thống kê về nhu cầu lao động qua đào tạo GDNN để cung cấp dữ liệu cho tất cả các đối tác có liên quan (cơ sở GDNN, doanh nghiệp, người lao động) trong việc xây dựng kế hoạch, ngành nghề đào tạo, các dịch vụ học nghề, tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm.

      3.4. Giải pháp đối với các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo GDNN

– Về phát triển đội ngũ cán bộ, nhà giáo GDNN: Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý GDNN các cấp thông qua các khóa bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ quản lý GDNN; Kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý đào tạo và có sự phân cấp quản lý phù hợp trong các cơ sở GDNN.

– Về phát triển chương trình, giáo trình đào tạo: với các nghề trọng điểm quốc gia, tiếp nhận và áp dụng chương trình của Bộ LĐ-TBXH xây dựng và ban hành trên cơ sở tiêu chuẩn nghề quốc gia; với các nghề cấp độ khu vực và quốc tế, tiếp nhận và sử dụng chương trình, giáo trình đào tạo của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và quốc tế phù hợp với Việt Nam.

– Về tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phòng học, nhà xưởng… đủ diện tích, đạt tiêu chuẩn, bổ sung các hạng mục còn thiếu (ký túc xá, thư viện…); cập nhật thực trạng về số lượng, chất lượng đối với cơ sở hạ tầng, máy móc trang thiết bị đào tạo, đánh giá hiệu quả, nhu cầu sử dụng; Xây dựng phương án và cơ chế hợp tác, chia sẻ trong sử dụng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị giữa các cơ sở GDNN để tối ưu hóa việc sử dụng, tránh lãng phí trong đầu tư, đào tạo; điều chỉnh, bổ sung, công khai quỹ đất cho việc mở rộng các trường theo chuẩn quy định.

  1. 5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về GDNN

– Tổ chức nghiên cứu các chuyên đề ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với GDNN, tổng kết việc áp dụng các sáng kiến kinh nghiệm tiên tiến trong các ngành học nhằm nâng cao chất lượng GDNN.

– Huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho sự phát triển GDNN. Ưu tiên các dự án nước ngoài để đầu tư phát triển GDNN, đặc biệt là các dự án hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển chương trình, học liệu, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý.

– Mở rộng hợp tác quốc tế để trao đổi và học tập kinh nghiệm với các cơ sở đào tạo, tổ chức phát triển nhân lực của các nước thành công trong lĩnh vực GDNN như Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia,…

– Khuyến khích các cơ sở GDNN hợp tác với các trường đào tạo nghề, các tổ chức quốc tế của các nước phát triển về trao đổi chương trình đào tạo, trao đổi giáo viên, chuyên gia đào tạo; chuyển giao công nghệ, phương pháp giảng dạy, liên kết đào tạo những ngành nghề đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế…

– Hợp tác nghiên cứu khoa học về GDNN, nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ dạy nghề tiên tiến để nâng cao chất lượng GDNN. Tích cực tham gia các hoạt động quốc tế về GDNN.

Phùng Lê Khanh

Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triền dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đà Nẵng

2. Điều tra Lao động – Việc làm 2018, Tổng cục Thống kê

3. Trang thông tin điện tử: https://baomoi.com/da-nang-90-100-hoc-sinh-sinh-vien-hoc-nghe-co-viec-lam/c/32495459.epi

Tin tức khác

Lao động trực tiếp sản xuất của ngành Dệt may, da giày – Thực trạng và giải pháp

Lao động trực tiếp sản xuất của ngành Dệt may, da giày – Thực trạng và giải pháp

28 Tháng Tám 2019

Lao động trực tiếp sản xuất của ngành dệt may, da giày được đánh giá là sẽ chịu nhiều tác động từ những thay đổi của khoa học công nghệ trong thời gian tới. Để nhận diện chinh xác những ảnh hưởng đó. Bài viết trình bày thưc trạng và đề xuất một số giải […]

Sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN đảm bảo hoạt động đào tạo nghề nghiệp hiệu quả – kinh nghiệm từ Thành phố Hải Phòng

Sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN đảm bảo hoạt động đào tạo nghề nghiệp hiệu quả – kinh nghiệm từ Thành phố Hải Phòng

1 Tháng Mười Một 2019

Tận dụng các lợi thế hiện có để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực, Hải Phòng đã cụ thể hoá các chủ trương về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của thành phố thông qua sắp xếp hệ thống GDNN một […]

No Image

NĂNG LỰC/KỸ NĂNG CỦA LAO ĐỘNG QUA ĐÀO TẠO NGHỀ TRỌNG ĐIỂM – MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

12 Tháng Ba 2021

NĂNG LỰC/KỸ NĂNG CỦA LAO ĐỘNG QUA ĐÀO TẠO NGHỀ TRỌNG ĐIỂM – MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ Phùng Lê Khanh Email: plkhanh@gmail.com Lê Thị Hồng Liên Email: lelien212@gmail.com Tóm tắt: Bài viết cung cấp một số thông tin về năng lực/kỹ năng của lao động qua đào tạo nghề trọng điểm và đưa ra một […]

02439745020