Phát triển kỹ năng xanh trong đào tạo nghề – Kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức

Tháng Ba : 29-03-2021 Written by : trungtamkynang
font size :

Tóm tắt

“Phát triển kỹ năng xanh” là một chủ đề mới và được quan tâm tại Việt Nam hiện nay. Khái niệm này được xuất phát trong bối cảnh thực tiễn nhằm thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững hướng tới nền kinh tế xanh. Bài viết này trình bày những nội dung liên quan đến khái niệm này và một số kinh nghiệm của Đức trong việc phát triển kỹ năng xanh.

1. Những khái niệm liên quan

Kỹ năng xanh (Green Skills): là những kỹ năng kỹ thuật liên quan đến môi trường. Theo cách thông thường, kỹ năng xanh nhằm để chỉ những kiến thức, khả năng và kỹ năng cần phải có để đáp ứng được những yêu cầu liên quan đến môi trường trong từng lĩnh vực chuyên môn và tại nơi làm việc. Tuy nhiên, hiện nay không tồn tại một danh mục thống nhất về các năng lực xanh của từng nghề. Tại mỗi quốc gia, ví dụ như Anh và Úc, trên thực tế họ đã nỗ lực để tạo ra một danh mục những kỹ năng xanh. Tuy nhiên, chúng được sắp xếp theo từng lĩnh vực (ví dụ: chất thải, năng lượng và xây dựng) và không bao gồm những kỹ năng nghề (những kỹ năng thiết yếu của nghề). Bên cạnh đó, nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về “Kỹ năng cho nghề xanh” cũng đã đưa ra danh sách những kỹ năng cốt lõi liên quan đến những nghề xanh. (Nguồn: ILO/CEDEFOP 2011, 107).

Phát triển kỹ năng xanh (Green Skills Development) (Nguồn: Hauptausschuss 1988, 78): Khái niệm phát triển kỹ năng xanh tại Đức được dựa theo những khuyến nghị của Hội đồng quản trị của Viện Giáo dục đào tạo nghề Liên bang Đức (BIBB). Theo khái niệm này, đào tạo nghề có chức năng tạo điều kiện cho quá trình học tập để thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo nghề và tác động môi trường tiềm năng, cũng như việc bồi dưỡng thái độ, trách nhiệm với môi trường, tài nguyên thiên thiên. Việc đào tạo những năng lực này được cung cấp một cách thích hợp và có ý nghĩa thông qua các giai đoạn đào tạo phù hợp, nếu có thể, nó phải có sự liên hệ trực tiếp với những hoạt động nghề nghiệp.

Tại Đức, khái niệm “Phát triển kỹ năng xanh” và khái niệm “Đào tạo nghề cho phát triển bền vững” là hai khái niệm gần như có cùng nội hàm. Hai nội dung này bao gồm những hoạt động giống nhau trong các chương trình hành động nhằm hướng tới mục tiêu Bảo vệ môi trường và Phát triển bền vững.

Đào tạo cho phát triển bền vững (Education for Sustainable Development – ESD) giúp, hỗ trợ mọi người đưa ra những quyết định về tương lai, đồng thời đánh giá được những tác động của những hành động đối với thế hệ sau cũng như đối với cuộc sống của các khu vực trên toàn thế giới. Đào tạo nghề cho phát triển bền vững nhằm truyền đạt những kiến thức về hợp tác và những thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu và công bằng xã hội cũng như nền kinh tế phức hợp, môi trường sinh thái, xã hội gây ra bởi những vấn đề này. Bên cạnh đó, ESD thúc đẩy những kỹ năng của cá nhân giúp họ có thể định hướng môi trường và tương lai của họ. Theo cách khác, giúp họ có khả năng để áp dụng những kiến thức về phát triển bền vững đồng thời có thể nhận ra những lợi ích thiển cận của sự phát triển không theo hướng bền vững. Nó cũng bao gồm những suy nghĩ tích cực, những kiến thức liên ngành, năng lực giải quyết vấn đề, phản ứng hành động cũng như khả năng để tham gia vào việc giải quyết những vấn đề xã hội.

2. Phát triển kỹ năng xanh – Chiến lược và hành động của Đức

2.1.  Khung chính sách, kinh tế cho phát triển kỹ năng xanh

Những chính sách về môi trường bắt đầu được quan tâm đặc biệt trở lại ở Đức từ đầu những năm 1970. Cùng với thời gian, khi những vấn đề về môi trường trở nên nghiêm trọng hơn cùng những áp lực từ công chúng, những chính sách về môi trường được quan tâm hơn và đi đúng hướng hơn. Những vấn đề trọng tâm được đặt ra để giải quyết đó là: xử lý nước thải, quản lý rác thải, quản lý lượng khí thải, phát triển nguồn năng lượng tái tạo, sự chuyển đổi của hệ thống năng lượng, tăng cường việc sản xuất năng lượng mới và việc sử dụng nguồn lực hiệu quả, cũng như sự định hình lại nền kinh tế theo hướng sinh thái thân thiện với môi trường.

Chính phủ Đức đã đưa ra những quy tắc quản lý để hướng tới sự bền vững. Những quy tắc này khá rõ ràng, cụ thể và là cơ sở để cho tất cả những người lao động, những người làm quản lý đã, đang và sẽ tham gia vào thế giới nghề nghiệp hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện công việc nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Quy tắc cơ bản: Mỗi một thế hệ phải giải quyết những vấn đề của chính thế hệ họ và không tạo gánh nặng cho thế hệ sau nhưng phải dự phòng được những vấn đề của tương lai.

Quy tắc của phát triển bền vững cho các khu vực cá nhân:

  • Hàng hóa tự nhiên tái tạo (ví dụ như: gỗ), trên cơ sở lâu dài, chúng cần được sử dụng trong phạm vi nhất định để đảm bảo nó có thể tái sinh. Và những hàng hóa tự nhiên không thể tái tạo (ví dụ như than đá, nguồn năng lượng dầu mỏ) cần được sử dụng ở giới hạn nhất định vì nó có thể được thay thế bởi các nguyên vật liệu và nguồn năng lượng khác.
  • Việc sử dụng các nguyên vật liệu từ môi trường phải đảm bảo không vượt qua giới hạn khả năng thích ứng của hệ sinh thái ví dụ như: khí hậu, rừng và biển.
  • Những nguy cơ về sự nguy hiểm và không công bằng đối với sức khỏe con người cần được tránh.
  • Sự thay đổi cấu trúc là do sự phát triển kỹ thuật và những cạnh tranh toàn cầu và nó nên được định hướng theo cách để vừa thành công cả về mặt kinh tế đồng thời bảo đảm sự bền vững của cả sinh thái và xã hội. Để đạt được mục đích này, những chính sách đưa ra phải tích hợp và bảo đảm được tất cả các nội dung: tốc độ phát triển kinh tế, tỉ lệ có việc làm cao, sự gắn kết xã hội, bảo vệ môi trường.
  • Sự tiêu thụ năng lượng và nguồn tài nguyên và những dịch vụ giao thông vận tải cần được tách riêng khỏi sự phát triển kinh tế.
  • Nguồn quỹ công ích cần được chia sẻ công bằng giữa các thế hệ. Chính phủ Liên bang, chính phủ bang và các thành phố cần đưa ra ngân sách cân bằng và từng bước giảm những khoản nợ nần.
  • Ngành nông nghiệp bền vững cần phải tương thích với tự nhiên và môi trường. Đưa ra những yêu cầu về việc thực hiện nông nghiệp theo hướng công bằng giữa những loài động vật, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt liên quan đến vấn đề về sức khỏe.
  • Để tăng cường sự gắn kết xã hội:

– Nghèo đói và bất công trong xã hội cần được giải quyết nhiều nhất có thể.

– Việc tạo cơ hội tham gia phát triển kinh tế cần mở rộng cho tất cả các lĩnh vực trong xã hội.

– Những thích ứng cần thiết để sự thay đổi nhân khẩu học có thể thực hiện trong những giai đoạn đầu ở khía cạnh chính trị, kinh tế và xã hội.

– Mỗi người nên tham gia vào đời sống xã hội và chính trị.

  • Những điều kiện cơ bản quốc tế cần xác định theo cách nhằm đảm bảo mọi người trong tất cả các nước có thể sống một cuộc sống xứng đáng của con người và theo ý tưởng của họ, cân bằng giữa môi trường xung quanh và những lợi ích thu được. Những hoạt động toàn cầu mang tính bền vững dựa vào Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của tổ chức Liên hiệp quốc. Cách tiếp cận tích hợp trong liên kết đấu tranh chống lại sự đói nghèo với:

– Sự tôn trọng quyền con người;

– Sự phát triển kinh tế;

– Bảo vệ môi trường;

– Hành động có trách nhiệm của các chính phủ.

2.2. Chương trình, hành động chung để phát triển kỹ năng đáp ứng quá trình xanh hóa của Đức

Năm 2006, Bộ Môi trường Liên bang Đức đã thực hiện sáng kiến giáo dục hóa “Môi trường kiến tạo những ý tưởng” trong các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật môi trường/năng lượng tái tạo. Chương trình này yêu cầu các doanh nghiệp tham gia thực hiện đào tạo, qua đó cung cấp địa điểm thực tập cho những người trẻ tuổi. Hơn nữa, các chương trình được hỗ trợ đào tạo bổ sung, nâng cao tại doanh nghiệp. Các lĩnh vực về kỹ thuật môi trường như xử lý và quản lý chất thải trong thời điểm đó được nhìn với những hình ảnh không thiện cảm. Do vậy Phòng kinh tế Đức đã xuất bản cuốn sổ tay thông tin quảng bá về bốn ngành nghề trong lĩnh vực này để cải thiện hình ảnh và cổ vũ những người trẻ tuổi tham dự các khóa học về ngành này.

Bên cạnh đó, các dự án thí điểm về đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nghề cũng được thực hiện. Mục tiêu của chương trình này là đào tạo ra người lao động có ý thức tốt hơn về việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong quá trình vận hành và sản xuất. Những kiến thức và khái niệm được cung cấp trong quá trình học sẽ áp dụng một cách hợp lý trong thực tiễn sau này. Viện đào tạo nghề Liên bang Đức cũng phát triển cách thức mới nhằm kết hợp đào tạo nghề với lâm sinh học. Tập trung khuyến khích những nhà khoa học trẻ và những kỹ sư trong lĩnh vực sinh hóa. Cùng với đó, việc nghiên cứu nâng cao hiệu quả dự trữ năng lượng cho pin và năng lượng sinh học cũng được quan tâm đầu tư.

Những nghiên cứu với sự hợp tác nước ngoài trong việc phát triển các nguồn năng lượng sinh hóa và nâng cao chuỗi giá trị của quá trình sinh hóa cũng được quan tâm đầu tư, hỗ trợ. Cùng với đó là những chương trình giới thiệu thông tin về năng lượng mới, năng lượng tái tạo đối với hệ đại học, đối với hệ đào tạo nghề, những nội dung về môi trường được đề xuất cập nhật và lồng ghép vào các chương trình hiện tại như vấn đề về quang điện, năng lượng nhiệt mặt trời, năng lượng biomas và hệ thống năng lượng nhiệt gỗ.

Các chương trình quảng bá về bảo vệ môi trường cũng được thực hiện cho đối tượng là học sinh trong các cơ sở đào tạo. Một ví dụ cho hoạt động này là “Thực hiện bảo vệ môi trường trong trường học và các cơ sở đào tạo”. Chương trình cung cấp những thông tin cần thiết về bảo vệ môi trường để cổ động học sinh thực hiện việc tiết kiệm năng lượng. Hay chương trình điển hình đó là: “Tài khoản tiết kiệm khí thải nhà kính”. Học sinh có thể tìm được những thông tin để xác định chi phí và vấn đề ô nhiễm môi trường gây ra bởi việc sử dụng nước, nhiệt và điện trong trường học của họ. Những chương trình này nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường tại ngay cơ sở đào tạo và xa hơn là hình thành ý thức lâu dài trong cộng đồng.

2.3. Giáo dục đào tạo với phát triển bền vững – Con đường để Phát triển kỹ năng xanh tại Đức

Đào tạo cho phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng, con đường duy nhất được lựa chọn và ưu tiên tại Đức trong hơn 20 năm qua. Chính phủ Đức đã thực hiện sự quan tâm đặc biệt cho nội dung này bằng nhiều chính sách ưu tiên đầu tư, hỗ trợ.

  1. Những nội dung được xác định thực hiện trong giáo dục, đào tạo với phát triển bền vững tại Đức
  • Mỗi chuyên ngành đào tạo trong nhà trường, một cách trực tiếp hay gián tiếp luôn có sự liên quan đến các chủ đề về năng lượng và hiệu quả sử dụng năng lượng;
  • Những kỹ năng cho việc thực hành chuyên môn một cách bền vững là phần không thế thiếu của những kỹ năng ứng phó.
  • Đào tạo những kỹ năng đòi hỏi cho tình huống phát triển bền vững;
  • Nói chuyện về trách nhiệm của những người làm sản xuất, của hệ thống doanh nghiệp và những kỹ năng mũi nhọn cần thiết trong tương lai.
  • Đối thoại như một nguyên tác giáo trình của giáo dục với phát triển bền vững.
  • Thiết kế những hoạt động thực hành định hướng theo tình huống học tập.
  1. Những hoạt động được thực hiện tại cấp độ đào tạo nghề với phát triển bền vững
  2. Thực hiện việc đào tạo tích hợp những kiến thức chuyên ngành, những yêu cầu mới trong các nghề hiện tại nhằm giúp người học có thể ứng dụng trong những giai đoạn tiếp theo;
  3. Những vấn đề về kỹ thuật và quy trình thực hiện hiệu quả cần được tập trung nghiên cứu để cải tiến và nâng cao hiệu quả trước tiên;
  4. Những khuyến nghị cụ thể của cơ quan có thẩm quyền (ví dụ Viện Giáo dục Dạy nghề Liên bang Đức – BIBB) về đào tạo các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường trong giáo dục đào tạo nghề;
  5. Sự lồng ghép, tích hợp các kiến thức, kỹ năng về môi trường được thực hiện nhiều nhất có thể trong các hoạt động nghề nghiệp chuyên môn;
  6. Trong hồ sơ tiêu chuẩn nghề của mỗi nghề đều dành vị trí có nội dung “Bảo vệ môi trường”;
  7. Xác định 4 nghề kỹ thuật môi trường đề đầu tư: cung cấp nước, xử lý nước thải; quản lý và tái sử dụng rác; công nghệ đường ống, các dụng cụ chứa đựng rác thải.
  8. Tập trung vào những nghề liên quan đến lĩnh vực thủ công có tay nghề cao và thương mại.
  9. Đầu tư trong lĩnh vực năng lượng mới;
  10. Bổ sung thêm các trình độ mới trong quá trình đào tạo;

Kết luận: Sau hơn 20 năm thực hiện những chính sách hành động để hướng tới mục tiêu Phát triển bền vững và nền kinh tế xanh, có thể nói Đức là một trong số những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện thành công hiệu quả những chiến lược này. Qua thực tiễn thực hiện và những kết quả đạt được, có thể thấy sự thành công của Đức là nhờ những điểm sau:

  1. Có một hệ thống chính sách, chiến lược rõ ràng, đúng đắn;
  2. Xác định mục tiêu và mục đích, chiến lược hành động mang tính hệ thống, cụ thể và rõ ràng theo từng cấp, đơn vị, lĩnh vực khác nhau;
  3. Giáo dục, đào tạo được xác định là cơ sở để thay đổi toàn bộ hệ thống.

Tài liệu tham khảo

  1. Luisa Stock and Kurt Vogler – Ludwig, Skills for green jobs – Country report Germany, Munich, 2010;
  2. BMZ – GIZ, TVET for a Green Economy, 2013;
  3. UNESCO-UNEVOC (Ed.) (2006): Orienting Technical and Vocational Education and Training for Sustainable Development. A discussion paper. Bonn, Germany.

                                                                                                                                                                      Đặng Thị Huyền – NIVT (Bài viết đã được đăng trên Tạp Chí Giáo dục nghề nghiệp năm 2020).

Tin tức khác

Phát triển kỹ năng xanh và vai trò của giáo dục đào tạo nghề

Phát triển kỹ năng xanh và vai trò của giáo dục đào tạo nghề

29 Tháng Ba 2021

Tóm tăt Chuyển đổi nền kinh tế và xã hội phù hợp với khái niệm phát triển bền vững chỉ có thể thực hiện được nếu mọi người nắm bắt các giá trị và thái độ vốn có của ý tưởng này và sở hữu các kỹ năng cần thiết và có thể áp dụng […]

Xanh hóa chương trình đào tạo nghề

Xanh hóa chương trình đào tạo nghề

29 Tháng Ba 2021

“Đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng trong việc chống biến đổi khí hậu bởi đào tạo nghề cung cấp nguồn lao động và các chuyên gia kỹ thuật, là những người sẽ trực tiếp sử dụng năng lượng và nguồn nguyên liệu tại nơi làm việc một cách hiệu quả và bền vững”. […]

02439745020