Phát triển kỹ năng xanh và vai trò của giáo dục đào tạo nghề

Tháng Ba : 29-03-2021 Written by : trungtamkynang
font size :

Tóm tăt

Chuyển đổi nền kinh tế và xã hội phù hợp với khái niệm phát triển bền vững chỉ có thể thực hiện được nếu mọi người nắm bắt các giá trị và thái độ vốn có của ý tưởng này và sở hữu các kỹ năng cần thiết và có thể áp dụng chúng vào thực tế. Không có gì ngạc nhiên khi giáo dục nói chung và giáo dục kỹ thuật và dạy nghề (TVET) nói riêng được xem như có một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này. Bài viết sẽ cung cấp những ý tưởng cơ bản về phát triển kỹ năng xanh và vai trò của giáo dục đào tạo nghề và giới thiệu những tác động đối với đào tạo nghề trong Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh và Kế hoạch Hành động Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2014 – 2020 của Việt Nam.

1. Phát triển kỹ năng xanh – sự cần thiết để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và tăng trưởng xanh.

Chuyển đổi nền kinh tế và xã hội theo hướng phù hợp với khái niệm phát triển bền vững chỉ có thể thực hiện được nếu con người hiểu và nắm được ý nghĩa, giá trị nội tại của ý tưởng này cũng như phải có được những kỹ năng cần thiết và có khả năng áp dụng được chúng trong thực tế. Với nhận thức đó, giáo dục đào tạo nói chung và đào tạo nghề được nhận định giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và đạt tăng trưởng xanh. Các chuyên gia và người lao động có kỹ năng sẽ là những người thực hiện việc sử dụng năng lượng và nguồn lực một cách hiệu quả tại nơi làm việc đồng thời tránh những nguy hiểm và rủi ro đến môi trường. Đó cũng là những người công nhân có kỹ năng thực hiện trong dây chuyền sản xuất và áp dụng những kỹ thuật thân thiện với môi trường đúng cách. Mặt khác việc thiếu những người công nhân có kỹ năng nghề tốt có thể cản trở sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Một nền kinh tế xanh đòi hỏi phải có những kỹ năng xanh. Kỹ năng xanh có thể được xác định là những kỹ năng trong các lĩnh vực xanh và việc làm xanh hay có thể là tập hợp nhóm kỹ năng được định nghĩa là kỹ năng xanh.

Việc làm xanh

Hiện tại dường như vẫn chưa có một định nghĩa nhất quán nào về việc làm xanh và phân biệt chúng với các công việc thông thường.

Việc làm xanh là gì?

Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), việc làm xanh là những việc làm thuộc “lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, xây dựng, lắp đặt, bảo dưỡng cũng như các hoạt động khoa học, kỹ thuật, quản lý và dịch vụ liên quan và chúng góp phần bền vững để bảo tồn và gìn giữ chất lượng môi trường”.

Tổ chức Lao động Quốc tế cho rằng việc làm xanh phải là việc làm giúp làm giảm tác động tiêu cực tới môi trường và góp phần tạo phát triển bền vững kinh tế, xã hội, môi trường của các doanh nghiệp và các lĩnh vực kinh tế trong khi vẫn đáp ứng những tiêu chí về việc làm bền vững – tiền lương đầy đủ, điều kiện làm việc an toàn, quyền lợi của người lao động, đối thoại xã hội và bảo trợ xã hội.

Theo những định nghĩa trên và một số định nghĩa khác, các lĩnh vực kinh tế sau đây có thể được tính thuộc về nền kinh tế xanh:

  • cung cấp nước;
  • xử lý nước thải;
  • quản lý chất thải;
  • nông trại hữu cơ;
  • lâm nghiệp bền vững;
  • vận tải công cộng;
  • xây dựng xanh;
  • quản lý bảo tồn tự nhiên;
  • sản xuất, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa công nghệ năng lượng tái tao.

Ngoài ra còn có các công ty về nghiên cứu, thương mại, sản xuất và dịch vụ góp phần phát triển nền kinh tế xanh, nhưng nó không hoàn toàn liên quan đến xanh như: bán lẻ thực phẩm, công nghệ kiểm soát và vận hành, tự động hóa và phát điện.

Chúng ta có thể gọi những công việc trong các phân đoạn kinh tế là “việc làm xanh”, nhưng không có nghĩa là tất cả những người làm việc trong những phân đoạn này đều cần đến những kỹ năng xanh cụ thể. Rất nhiều những kỹ năng cần cho nền kinh tế xanh được tìm thấy ở những ngành nghề hiện tại.

Kỹ năng xanh

Cho đến nay không có sự thống nhất về danh mục các kỹ năng xanh cụ thể được áp dụng các quốc gia trên phạm vi toàn thế giới. Theo những kinh nghiệm từ CHLB Đức, các kỹ năng xanh được hiểu như sau:

Về cơ bản kỹ năng xanh đề cập đến những kiến thức, khả năng và kỹ năng cần thiết để đáp ứng những đòi hỏi liên quan đến môi trường trong những hành vi nghề nghiệp tại một nơi làm việc cụ thể trong một nhà máy cụ thể. Hành động một cách bền vững có ý nghĩa trong mỗi công việc và lĩnh vực. Năng lực cho các hoạt động nghề nghiệp bền vững là một thành phần không thể thiếu trong thổng thể các kỹ năng nghề nghiệp của mỗi các nhân.

Chuyên môn về môi trường là những nội dung gì?

Chuyên môn về môi trường là một phần không thể thiếu trong các kỹ năng hoạt động nghề. Những chuyên môn môi trường bao gồm những kiến thức, kỹ năng, khả năng và sự sẵn sàng để nhận ra, đánh giá và giảm thiểu những tác động nguy hại một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến môi trường.

Cụ thể, chuyên môn về môi trường có thể bao gồm những nội dung sau:

  • kiến thức môi trường liên quan đến nghề cụ thể hoặc những nghề liên quan;
  • sự sẵn sàng để đảm nhận trách nhiệm và thực hiện các bước theo hướng bảo vệ môi trường; và
  • những kỹ năng và khả năng thực hiện bảo vệ môi trường được cân nhắc trong từng hoạt động nghề.

Bởi vì bất cứ một hoạt động nghề nghiệp nào đều đòi hỏi những chuyên môn, kiến thức về môi trường và thường được áp dụng trong những tình huống cụ thể trong một công ty và tổ chức nơi mà mỗi người, nhóm người, các tổ chức, các phòng ban đều phải tham gia, do vậy những kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác cũng là những kỹ năng cần thiết của chuyên môn môi trường.

Công việc nghề nghiệp được thực hiện một cách chuyên nghiệp – điều này có nghĩa nguồn lực và chi phí được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí cũng như gây nguy hại, rủi ro về môi trường – đây cũng là cơ sở tạo nên thành công của mỗi nghề – không chỉ riêng cho những lĩnh vực xanh. Các chủ đề xuyên suốt như áp dụng những nguyên tắc trong quản lý rác thải, xử lý các chất độc hại, giữ gìn nước sạch cũng như hiệu quả nguồn lực, năng lượng trong quá trình làm việc là những nội dung liên quan đến toàn bộ lực lượng lao động và cần được đào tạo trong mỗi nghề và khóa đào tạo.

Ngoài ra trong một số nghề/việc làm/ngành công nghiệp… luôn cần những kỹ năng kỹ thuật chuyên ngành bắt buộc. Ví dụ để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, bảo dưỡng tua bin gió hay vận hành những nhà máy xử lý nước thải, tuy nhiên những “kỹ năng xanh này” chỉ là những kỹ năng kỹ thuật chuyên môn mà về nguyên tắc không thể phân biệt được với kỹ năng kỹ thuật thông thường, mà chỉ do cách áp dụng khác nhau.

Sự cân bằng giữa:

  • những kỹ năng cơ bản (ví dụ các hành động và giao tiếp tự chủ động),
  • những kỹ năng xanh cơ bản (ví dụ như tránh lãng phí, xử lý chính xác những chất độc hại cũng như cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và nguồn tài nguyên) và
  • “nâng cao” những kỹ năng liên quan đến nghề nghiệp đã có (ví dụ như kỹ thuật cách điện cải tiến cho xây dựng hiệu quả năng lượng, sử dụng những vật liệu thân thiện môi trường mới trong lĩnh vực vệ sinh, hệ thống điều hòa không khí và sưởi ấm cũng như bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống đun nước bằng năng lượng mặt trời).

là quan trọng để phát triển một nền kinh tế phát thải cacbon thấp hơn là những kỹ năng chuyên ngành và những kỹ năng xanh.

2. Phát triển kỹ năng xanh – Vai trò của giáo dục đào tạo nghề

“Nếu giáo dục được xem như là một chìa khóa để thực hiện các chiến lược phát triển một cách hiệu quả, Giáo dục và đào tạo kỹ thuật và nghề (TVET) phải được coi là chìa khóa chủ đạo để có thể xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy hòa bình, bảo tồn môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả và giúp đạt được phát triển bền vững.[…] Sự chuẩn bị cho công việc chính là cung cấp cho mọi người kiến thức, năng lực, kỹ năng, giá trị và thái độ để trở thành một công dân tích cực và có trách nhiệm, và chính những công dân này biết rõ vai trò công việc và góp phần xây dựng xã hội bền vững.

Bên cạnh những kỹ năng kỹ thuật thì việc nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy là rất cần thiết. Sự chuyển đổi nền kinh tế và xã hội theo định hướng khái niệm phát triển bền vững chỉ có thể thực hiện được nếu con người hiểu được những giá trị và thái độ rõ ràng của khái niệm này cũng như nếu con người có được những kỹ năng cần thiết và có thể áp dụng chúng trong thực tế. Điều này cũng làm sáng tỏ hơn một điều rằng việc lồng ghép sự bền vững vào phát triển kỹ năng không thể làm giảm các nội dung chuyên môn nghề hay nghề nghiệp. Thách thức cho đào tạo nghề là phải thực hiện tái định hướng chương trình đào tạo với những liên quan đến việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên, công bằng xã hội và phát triển phù hợp, đồng thời bổ sung những năng lực để thực hiện thực hành bền vững tại nơi làm việc.

Những yêu cầu về việc làm xanh cũng như xanh hóa các việc làm là kết quả của sự thay đổi công nghệ và kinh tế của lĩnh vực công nghiệp. Đáp ứng những yêu cầu thay đổi này trong các khóa học giáo dục và đào tạo nghề không phải là một điều mới, tuy nhiên hiện tại mới chỉ là việc phát triển những kỹ năng. Điều mới ở đây là những yêu cầu về kỹ năng này sẽ phải thay đổi trong những hoàn cảnh:

  • Người lao động phải hiểu được những tác động môi trường trong nghề nghiệp/việc làm của họ.
  • Họ phải hiểu rằng, làm thế nào chúng có thể góp phần xây dựng một môi trường sạch sẽ, tránh những rủi ro môi trường và những nguy hại tại nơi làm việc (ví dụ: bằng cách xử lý những chất độc hại đúng cách).
  • Họ cần những kiến thức và kỹ năng để sử dụng năng lượng và tài nguyên một cách hiệu quả, làm thế nào để có thể tránh lãng phí, tái sử dụng và tái chế các vật liệu.
  • Sự thay đổi tư duy là rất cần thiết. Trọng tâm là khả năng và sự sẵn sàng đảm nhiệm trách nhiệm tham gia sản xuất cho kết quả độc lập – tất nhiên trong giới hạn làm việc cho phép.

Những kỹ năng trên là những kỹ năng mà toàn bộ lực lượng lao động đều cần đến và cần được đào tạo trong mỗi nghề cũng như các khóa đào tạo.

Ngoài ra, sự bổ sung các kỹ năng trong mỗi nghề/việc làm/ngành công nghiệp cũng như bổ sung các kỹ năng kỹ thuật chuyên môn luôn cần thiết, ví dụ: để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, cần bảo trì tua bin gió và vận hành nhà máy xử lý nước thải. Thậm chí những kỹ năng xanh là những kỹ năng kỹ thuật chuyên môn mà về nguyên tắc chúng không thể phân biệt với những kỹ năng kỹ thuật thông thường. Việc áp dụng này là khác nhau.

  1. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam – vai trò, trách nhiệm của giáo dục đào tạo nghề.

Tháng 9/2012, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Với việc phát triển và phê duyệt Chiến lược này, Chính phủ đã thừa nhận sự cần thiết phải giải quyết những thách thức về môi trường và kinh tế – xã hội, tập trung vào thay đổi mô hình phát triển, bởi vì mô hình tăng trưởng cũ không bền vững. Tăng trưởng xanh được xem như là một con đường phát triển phù hợp, tương thích với nhu cầu điều chỉnh về mô hình kinh tế và tăng trưởng của Việt Nam. Chiến lược này cũng nhằm đáp ứng quá trình tái cấu trúc nền kinh tế hướng tới việc sử dụng bền vững hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm phát thải nhà kính. Và xa hơn, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Mục tiêu tổng quát: “Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội.“

Đào tạo nghề trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh từ năm 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050

“Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực” được công nhận là một công cụ chiến lược hỗ trợ Chiến lược tăng trưởng xanh và được nhấn mạnh đặc biệt tại một mục (hoạt động 15). Cụ thể, một số hoạt động được đề xuất như sau:

  • Tổ chức đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản trị, điều hành trong nền kinh tế xanh, ngành sản xuất xanh cho đội ngũ cán bộ quản trị công và doanh nghiệp, trước mắt là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, hoạch định chính sách, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
  • Phát triển nguồn nhân lực cho tăng trưởng xanh trên cơ sở nghiên cứu, lựa chọn đưa các nội dung về tăng trưởng xanh, công nghệ xanh, khai thác tài nguyên bền vững… vào các cấp học và bậc học.
  • Xây dựng hướng dẫn doanh nghiệp về cách thức tiếp cận các lựa chọn tài chính, công nghệ để thực hiện xanh hóa công nghiệp, nông nghiệp.

Mặt khác, những vấn đề này đứng một mình và không có sự liên quan đến những mục tiêu và biện pháp khác được đề cập trong các tài liệu về chiến lược.

Đào tạo nghề trong kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020

Đào tạo nghề được đề cập trong Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh trong các đoạn đặc biệt như sau:

“Hỗ trợ đào tạo nhân lực trong lĩnh vực việc làm xanh/ Tăng cường năng lực, Hoàn thiện thể chế/ 2013 – 2020. Nội dung: Hỗ trợ đào tạo nhân lực kỹ thuật trong các ngành nghề thuộc khu vực kinh tế xanh; Ban hành chính sách khuyến khích tạo việc làm xanh.” (hoạt động 38). Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được xác định là cơ quan chịu trách nhiệm về nội dung hoạt động này.

Có thể thấy sự liên quan của đào tạo nghề trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh đã được thừa nhận. Trong cả Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh cũng như Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, các hoạt động liên quan đến đào tạo nghề bị phân tách và không có liên hệ với các mục tiêu cũng như hoạt động khác. Trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, chức năng của đào tạo nghề thậm chí bị giảm bớt tầm quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật trong lĩnh vực kinh tế xanh.

Bên cạnh đó, đào tạo nghề cũng được ám chỉ liên quan đến các hoạt động trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh như sau:

Số. 04: Nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của toàn dân vào việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh.

Số. 11: Nâng cao nhận thức của toàn dân về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (ví dụ: Lồng ghép kiến thức năng lượng vào các chương trình giáo dục và đào tạo).

Số . 12: Phát triển công nghệ và kỹ thuật tiết kiệm năng lượng.

Số. 13: Ban hành tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu và dán nhãn năng lượng cho sản phẩm.

Số. 14: Cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.

Số. 15: Nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Số. 16: Nâng cao năng lực quản lý năng lượng trong công nghiệp và xây dựng.

Số. 27: Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các nguồn năng lượng mới (năng lượng gió, mặt trời, thủy triều, địa nhiệt, sinh khối, xăng sinh học…).

Số. 53: Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về tăng trưởng xanh (ví dụ: Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh cho các nhóm đối tượng trong doanh nghiệp: chủ doanh nghiệp, đội ngũ kỹ thuật và quản lý, công nhân viên và công đoàn).

Số. 58: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xây dựng và sử dụng các tòa nhà.

Số. 62: Triển khai cuộc vận động xây dựng mô hình “Sử dụng tiết kiệm năng lượng trong mỗi hộ gia đình” (ví dụ: Tổ chức truyền thông nâng cao kiến thức về tiết kiệm năng lượng trong đời sống cho các tầng lớp nhân dân).

Kết luận

Phát triển kỹ năng xanh được coi như một nội dung quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay nhằm đáp ứng đòi hỏi về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Sự đóng góp của đào tạo nghề để đạt được mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh là phát triển nguồn nhân lực có năng lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế xanh.  Để thực hiện được nhiệm vụ này cần phải có một hệ thống khung chính sách về đào tạo nghề và phát triển kỹ năng một cách toàn diện, xuyên suốt giữa tất cả các cấp, bộ ngành. Do vậy, cần xây dựng và phát triển khung chính sách phát triển kỹ năng đồng thời có những điều chỉnh một cách rõ ràng nội dung liên quan đến vấn đề xanh hóa. Việc đầu tiên có thể thực hiện là việc bổ sung, lồng ghép những yêu cầu về xanh hóa chương trình đào tạo cũng như các khóa học một cách có hệ thống.

Tài liệu tham khảo

  1. Thủ tướng Chính phủ (2012), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
  2. Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề – GIZ, Dự thảo Sổ tay xanh hóa đào tạo nghề – Nhóm tác giả: Dr. Mertineit, K-D và các nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề.
  3. CEDEFOP; 2010: Skills for Green Jobs. Briefing Note. Thessaloniki. Online: www.cedefop.europa.eu/EN/Files/9024_en.pdf [Accessed: 27-09-2013]
  4. GIZ; 2013: Green skills development – essential for the transition to green growth. Online: http://tvet-vietnam.org/index.php/en/news/40-general/307-green-skills-development-essential-for-the-transition-to-green-growth [Accessed: 23-07-2014]
  5. GIZ; 2013: TVET for a Green Economy. Bonn / Eschborn. Online: http://www2.gtz.de/wbf/4tDx9kw63gma/giz-2013-en-TVET%20for%20a%20Green%20Economy.pdf [Accessed 21-03-2014]
  6. Mertineit, K.-D.; 2013: TVET for a green economy. Presentation in the workshop on “Greening TVET for achieving National Green Growth Strategy”. Hanoi.
  7. UNESCO –UNEVOC International Centre for Vocational Education and Training; 2006: Orienting Technical and Vocational Education and Training for Sustainable Development. Discussion Paper Series 1 Bonn, Germany
  8. UNESCO-UNEVOC; 2004: Orienting Technical and Vocational Education and Training for Sustainable Development. Discussion Paper Series 1. Bonn;

Đặng Thị Huyền – Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp 

Tin tức khác

Phát triển kỹ năng xanh trong đào tạo nghề – Kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức

Phát triển kỹ năng xanh trong đào tạo nghề – Kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức

29 Tháng Ba 2021

Tóm tắt “Phát triển kỹ năng xanh” là một chủ đề mới và được quan tâm tại Việt Nam hiện nay. Khái niệm này được xuất phát trong bối cảnh thực tiễn nhằm thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững hướng tới nền kinh tế xanh. Bài viết này trình bày những […]

Xanh hóa chương trình đào tạo nghề

Xanh hóa chương trình đào tạo nghề

29 Tháng Ba 2021

“Đào tạo nghề đóng vai trò quan trọng trong việc chống biến đổi khí hậu bởi đào tạo nghề cung cấp nguồn lao động và các chuyên gia kỹ thuật, là những người sẽ trực tiếp sử dụng năng lượng và nguồn nguyên liệu tại nơi làm việc một cách hiệu quả và bền vững”. […]

02439745020